Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Tấm gương người có công vượt khó ở thị trấn Tân An (Bắc Giang)
11:19 PM 10/06/2021
Chiến tranh đã qua đi và lùi xa theo năm tháng nhưng những dấu tích về một thời đạn bom không chỉ in đậm trong ký ức của những người lính năm xưa, mà còn hằn in trên thân thể họ. Vượt qua khó khăn, tật bệnh, trở về cuộc sống đời thường, những người thương, bệnh binh vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, lại kiên cường trên trận tuyến mới, tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương. Họ chính là những thương binh “tàn nhưng không phế” bình dị tỏa sáng giữa đời thường.
Xưởng mộc của bệnh binh Hà Văn Nghi ở TDP Kim Xuyên Thị trấn Tân An
Trở về sau chiến tranh, bệnh binh Hà Văn Nghi (mất sức lao động 61%), tổ dân phố Kim Xuyên, thị trấn Tân An (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) luôn tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, với ý chí nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ, ông đã cố gắng vượt lên, không cam chịu đói nghèo, ông đã phát triển nghề mộc từ nhỏ lẻ đến mở xưởng làm đồ nội thất phục vụ bà con nhân dân trong vùng. Làm ăn có uy tín, ông duy trì xưởng mộc đều đều, thu nhập bình quân gần 300 triệu đồng/năm. Trong nhiều năm qua, gia đình ông luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào của địa phương phát động như: “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ đồng bào thiên tai lũ lụt. Ông Hà Văn Nghi, tổ dân phố Kim Xuyên, thị trấn Tân An cho biết: “ Năm 1980 xuất ngũ trở về địa phương, trên mình mang nhiều bệnh tật. Nhưng tôi không thể bó tay ngồi đó được, bắt tay vào làm nghề truyền mộc mà tôi đã biết từ trước. Mình còn sức, còn phải lo cho vợ con, rồi mới giúp được bà con nữa chứ.”
Không chỉ biết làm kinh tế, ông Nghi còn phát huy thế mạnh, sở trường, tận dụng kiến thức và hiểu biết cá nhân để nuôi gà chọi, chọi gà vui và cung cấp gà chọi giống cho những người cùng sở thích. Ngoài ra, ông còn tích cực rèn luyện thể dục thể thao, chơi rất hay môn bóng chuyền hơi. Ông Hoàng Xuân Trường – Chủ tịch Hội CCB Thị trấn Tân An nhận xét: “Ông Nghi không những làm kinh tế giỏi, mà tấm gương vượt lên số phận, vượt lên bệnh tật đã truyền sức mạnh cho nhiều anhem CCB và bà con địa phương.”
Vợ chồng thương binh đặc biệt Vũ Văn Năm với gian hàng tạp hóa tại Thị trấn Tân An
Thị trấn Tân An hiện có 757 hội viên Hội Cựu chiến binh, trong đó có 70 người là thương binh, 26 người là bệnh binh và có 24 người nhiễm chất chất độc màu da cam, có 181 đối tượng gia đình liệt sỹ và địch bắt tù đầy. Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, những cựu chiến binh, đặc biệt là các đối tượng thương, bệnh binh đã vượt qua khó khăn, thương tích, bệnh tật, xây dựng kinh tế bằng chính sức lao động của mình. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, họ còn tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, góp sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Họ đã trở thành những tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nếu như ông Nghi là đại diện cho những người thương bệnh binh biết tận dụng lợi thế về nghề mộc làm kinh tế giỏi thì ông Vũ Văn Năm – Tổ dân phố Phố Tân An lại là tấm gương tiêu biểu cho ý chí nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Trở về cuộc sống với một mảnh kim khí trong sọ não, ông Năm gặp không ít những khó khăn trong sinh hoạt đời thường đã làm cho gánh nặng kinh tế gia đình tăng lên. Vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn, người thương binh đặc biệt ấy đã cùng vợ được nhà nước cấp cho một mảnh đất ở phố để buôn bán tổng hợp. Mặc cho bệnh tình lúc nhớ, khi quên, ông vẫn cố gắng phụ giúp vợ trong công việc hàng quán. Số tiền thu nhập từ gian hàng nhỏ ấy cũng đủ để ông đóng góp một phần nhỏ vào thu nhập chung của gia đình.
Ông Vũ Văn Năm – Tổ dân phố Phố Tân An chia sẻ: “Năm 1991, được Đảng và Nhà nước cấp cho mảnh đất để vợ chồng tôi buôn bán, sinh sống qua ngày. Nhưng do vết thương ở đầu, nên cũng chẳng đỡ đần gì cho vợ con cả. Thôi thì cứ cố gắng làm chỗ dựa về tinh thần, ủng hộ vợ con tiếp tục vươn lên. May mà các con ngoan, trưởng thành cả rồi, vợ chồng tôi buôn bán cũng thuận lợi như thế này là nhờ cả vào sự quan tâm của các cấp, các ngành.”
Không chỉ biết làm kinh tế, nhiều thương bệnh binh ở Thị trấn Tân An còn phát huy thế mạnh, sở trường, tận dụng kiến thức và hiểu biết cá nhân để giúp đỡ mọi người. “Thương binh tàn nhưng không phế”, những lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng chục thương, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, trở thành người sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Góp sức cùng Hội CCB Thị trấn Tân An thi đua thực hiện tốt các phong trào của Hội và của địa phương phát động.
Chiến công của những người con ưu tú năm xưa và thành tích của những tấm gương tiêu biểu hôm nay thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ý chí khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ ngày nay noi theo./.
PV
 
 
TAG:
Tin khác
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Người thầy thuốc bước ra từ cửa phật, lan tỏa yêu thương giữa đời
Huyện Thạch Hà: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
Đoàn công tác của Quỹ Châu Á thăm điểm giao dịch  xã và khách hàng vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội
Vốn vay ưu đãi giúp người dân Hà Tĩnh vươn lên thoát nghèo bền vững
Mỗi học sinh là một đại sứ trong công cuộc phòng tránh tai nạn bom mìn vật nổ
Hà Giang: Nỗ lực giải phóng những “vùng đất chết” trả lại đất đai an toàn để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về tái hòa nhập xã hội bền vững