Sức bật giảm nghèo ở một xã khó khăn huyện Mường La
Trước đây, xã Mường Trai được coi là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (tỉnh Sơn La), bởi hầu hết dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, sống rải rác, dân trí thấp, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế… tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng chỉ vài năm trở lại đây, số hộ nghèo đã giảm nhanh chóng nhờ có những bước đi sáng tạo, đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền địa phương, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đã tạo bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo.
Nhiều chính sách hướng về người dân
Trao đổi với chúng tôi, ông Lèo Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Mường Trai, cho biết: Công tác xóa đói giảm nghèo luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền xã trong những năm qua, mà muốn giảm được nghèo, nâng cao đời sống nhân dân đi lên, không có cách nào khác là phát triển kinh tế, giúp người dân có việc làm có thu nhập, mới thoát được nghèo. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, xã xác định nguyên nhân dẫn đến cái nghèo phần lớn đều là do người dân thiếu vốn, thiếu kiến thức kỹ thuật sản xuất, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún… Từ đó, xã đã chỉ đạo Ban xóa đói giảm nghèo phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB…tín chấp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng NN&PTNN giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp.
Nhiều mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản đang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân
Đồng thời, cùng với các ngành chuyên môn tổ chức mở các lớp tấp huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới, giúp người dân đổi mới cách nghĩ, cách làm, từ bỏ tư duy sản xuất lạc hậu. Đặc biệt là vận động nhân dân phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây, con, giống mới phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai từng địa phương vào thâm canh, sản xuất, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, lồng ghép các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: 30a, 135, vốn sự nghiệp kinh… trợ hỗ trợ cây, con giống như: Cây xoài, nhãn, bò, dê sinh sản… cho các hộ gia đình nghèo có đều kiều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Thoát nghèo nhờ đổi mới tư duy
Theo ông Cương, để nâng cao hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo phải xuất phát từ chính người dân, lấy người dân là trung tâm, do vậy phải đổi mới cách nghĩ, cách làm từ người dân, vận động họ bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hòa, liên kết thị trường. Nhất là vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng thâm canh, tăng vụ, thay thế những diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc, vì đó chính là thế mạnh của địa phương.
Đặc biệt là tận dụng mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản, cá lồng và tận dụng các triền đồi, dải đất ven sông để nuôi bò. Vì thế mà đến nay toàn xã đã có 5 mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản cá lồng, chăn nuôi đại gia súc… đều đang phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao. Hiện cả xã có trên 1.100 con bò, trên 435 lồng cá, một con số biết nói của sự bứt phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở một xã chỉ có 10 bản, trên 480 hộ.
Nhờ đổi mới cách nghĩ, cách làm, đời sống của người dân Mường Trai không ngừng được cải thiện nâng lên
Được sự chỉ dẫn của xã chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng của anh Lường Văn Thủy, ở bản Cang Mường (Mường Trai) mới thất được hiệu quả trong đổi mới cách làm kinh tế của người dân. Anh Thủy cho biết: Trước đây, làm nương rẫy trồng ngô, lúa chỉ tạm đủ ăn, thu nhập cao lắm cũng chỉ 20 – 30 triệu đồng/năm. Từ ngày anh đầu tư nuôi cá lồng trên mặt hồ, chỉ với 8 lồng cá, áp dụng đúng kỹ thuật nuôi, mỗi năm anh thu nhập gần 300 triệu đồng, một con số mà trước đây cả gia đình anh chưa từng nghĩ đến.
Còn chị Lường Thị Hương, bản Khâu Ban (Mường Trai) nói rằng: Cách đây 3 năm, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình được ngân hàng NN&PTNT huyện hỗ trợ cho 15 triệu đồng, có vốn trong tay gia đình chị mua luôn một con bò sinh sản về nuôi, đến nay từ con bò giống đầu tiên gia đình chị đã có 4 con bò giống. Nhờ chăm chỉ lao động, chuyển đổi cây ngô sang cây sắn và trồng cây ăn quả thu nhập của gia đình từng bước được cải thiện. Đầu năm nay, gia đình chị đã trả xong số vốn vay ngân hàng, kinh tế gia đình đang bắt đầu có tích góp, cuối năm 2018 gia đình chị được công nhận thoát nghèo.
Cái hay trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo của Mường Trai là luôn gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, xã đã vận động nhân dân đóng sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình đường giao thông, nhà văn hóa, trường, trạm… Nhiều công trình mới, con đường mới được hình thành đưa vào sử dụng, đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại trao đổi hàng hóa, thúc đẩy sản xuất phát triển, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn mới của xã ngày một khởi sắc. Từ một xã nghèo đến nay Mường Trai đã đạt 14/19 tiêu chí NTM, trong đó thu nhập là một trong những tiêu chí chuyển biến tích cực nhất.
Với cách làm đồng bộ mang lại hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm đáng kể từng năm, năm sau giảm hơn năm trước. Nếu như năm 2017, toàn xã có 34,96% hộ nghèo thì đến cuối năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,53%, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân nhân dân các dân tộc tại địa phương không ngừng được cải thiện, nâng lên./.
PV
TAG: