Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Sự cần thiết của tổ chức Kiểm định Vùng đối với việc nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống giáo dục nghề nghiệp
10:25 AM 14/09/2021
(LĐXH) - Tổ chức Kiểm định Vùng là vấn đề được các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quan tâm nghiên cứu nhằm nhanh chóng đưa ra các đề xuất kỹ thuật cho việc thiết lập một giải pháp vĩ mô góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp và hội nhập quốc tế.
1. Tổ chức Kiểm định Vùng là gì?
Đến nay chưa có khái niệm chính thức tổ chức Kiểm định Vùng cũng như mô hình của nó ở các tài liệu, sách báo trong nước. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp (khoản 2, Điều 66) thì có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp do Nhà nước thành lập (khu vực công) và của tổ chức, cá nhân thành lập gọi là tổ chức khu vực tư. Theo đó, để triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong thực tiễn thì Nhà nước (Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) phân quyền (ủy quyền) cho các tổ chức, cá nhân khu vực công – tư trên cơ sở đáp ứng các điều kiện luật định.
Dựa theo pháp luật giáo dục nghề nghiệp nói chung, lý luận quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng tác giả cho rằng việc đưa mô hình tổ chức Kiểm định Vùng vào triển khai trong thực tiễn là hoàn toàn đầy đủ cơ sở pháp luật, cơ sở lý luận. Và tổ chức Kiểm định Vùng là mô hình tổ chức kiểm định do Nhà nước thành lập (đơn vị sự nghiệp công). Hơn nữa, dựa vào lý thuyết cấu trúc quản trị quốc gia thì tại mỗi vùng, miền (khu vực) cần có tổ chức trung gian (trung tâm) thực hiện tham vấn, điều phối các hoạt động chuyên môn để chia sẻ trách nhiệm (gánh nặng) cho trung ương, các địa phương trong vùng về nguồn lực.
Để giúp chúng ta nhận diện khái quát mô hình tổ chức Kiểm định Vùng, tác giả trình bày một số nội dung cơ bản thể hiện sự khác biệt giữa tổ chức Kiểm định Vùng và tổ chức kiểm định khu vực tư như sau:

Vấn đề

Tổ chức Kiểm định Vùng

(khu vực công)

Tổ chức kiểm định khu vực tư

Sứ mệnh

Tham vấn ,điều phối và đánh giá cơ sở, chương trình đào tạo có tính đặc thù, thiết yếu hoặc chưa có tiền lệ

Đánh giá cơ sở, chương trình đào tạo không có tính đặc thù, thiết yếu

Địa vị

pháp lý

Được Nhà nước thành lập,

cấp phép hoạt động

Được tổ chức, cá nhân thành lập, được Nhà nước cấp phép hoạt động

Có tư cách pháp nhân

Có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân

Cơ chế tổ chức và hoạt động

Tổ chức, hoạt động dựa trên cơ chế phân quyền

Tổ chức, hoạt động dựa trên cơ chế ủy quyền

Lĩnh vực hoạt động

Đánh giá cơ sở, chương trình đào tạo có tính đặc thù,

 thiết yếu

Đánh giá cơ sở, chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp ngoại trừ lĩnh vực đặc thù, thiết yếu

Phạm vi hoạt động

Theo vùng, miền (khu vực)

Toàn quốc

Đội ngũ

Kiểm định viên là viên chức

nhà nước

Kiểm định viên là nhân viên hợp đồng lao động

Tài chính

Ngân sách nhà nước hỗ trợ,

nguồn thu khác

Tự chủ tài chính

Tổ chức Kiểm định Vùng hay tổ chức kiểm định khu vực tư có những điểm khác biệt chính như đề cập ở trên nhưng các mô hình này đều hoạt động hướng tới mục tiêu chung đó là cung cấp dịch vụ công kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cho hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Có thể nói dựa vào cơ sở lý luận quản lý, quản trị và pháp luật hiện hành, đặc biệt là những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì mô hình tổ chức Kiểm định Vùng có ý nghĩa, vai trò hết sức cần thiết, đảm trách sứ mệnh đặc biệt điều mà các tổ chức khu vực ngoài nhà nước không thể hoặc khó thực hiện.
Công tác kiểm định góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa
 
2. Sự cần thiết của tổ chức Kiểm định Vùng?
Khi chúng ta bàn về thiết chế tổ chức Kiểm định Vùng sẽ có câu hỏi đặt ra tại sao cần phải có tổ chức này khi mà đã có mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp khu vực tư. Câu trả lời sẽ được tác giả trình bày, phân tích về vai trò của tổ chức Kiểm định Vùng theo các luận điểm sau đây: 
2.1. Cơ sở lý luận
Theo lý luận quản lý giáo dục thì kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chức năng quản lý nhà nước quan trọng nhằm duy trì, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo dục nghề nghiệp. Đây là một trong những nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động chuyên môn về giáo dục nghề nghiệp trong thực tiễn góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho nền kinh tế đất nước.
Xét về khía cạnh quản trị công thì Nhà nước là chủ thể duy nhất có chức năng, thẩm quyền cung cấp dịch vụ công kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đề cập điều này không phải để nói Nhà nước ôm đồm quyền lực mà để khẳng định chỉ có Nhà nước mới có đủ năng lực để đảm trách sứ mệnh điều mà các tổ chức, cá nhân khu vực ngoài nhà nước không thể gánh vác được. Hơn nữa, vai trò của Nhà nước mà cụ thể là tổ chức kiểm định tại mỗi vùng rất quan trọng trong cấu trúc quản trị đa cấp độ (quốc gia – vùng – địa phương – cơ sở đào tạo), giúp tham vấn, phát triển các hoạt động chuyên môn của hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh nguồn lực của trung ương, địa phương chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Ở khía cạnh khác, có thể khẳng định kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp là chức năng quan trọng, quyết định chất lượng đào tạo nghề nghiệp do vậy trên bình diện thực tiễn để đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tính hệ thống, bao phủ và toàn diện thì cần thiết phải hình thành mạng lưới tổ chức kiểm định khu vực công mà cụ thể là các tổ chức Kiểm định Vùng tại mỗi vùng, miền.
Từ những vấn đề đã phân tích, đề cập ở trên cho thấy rằng mô hình tổ chức Kiểm định Vùng với tư cách là đơn vị của Nhà nước là thiết chế hữu hiệu, phù hợp với cơ sở lý luận về quản lý, quản trị công, khẳng định vai trò không thể thay thế của Nhà nước trong mọi lĩnh vực, hoạt động và các tình huống, vấn đề nảy sinh hằng ngày trong thực tiễn đời sống xã hội nói chung.
2.2. Cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế:
Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH thì đến nay mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp với 04 tổ chức được cấp phép đã tiến hành hoạt động đánh giá cơ sở, chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Tất cả các các tổ chức kiểm định hiện hành đều là tổ chức khu vực tư, chưa có tổ chức kiểm định khu vực công. Các tổ chức kiểm định hiện hành mới đi vào hoạt động được gần hai năm và theo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý có những nảy sinh trong thực tiễn quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp cần phải quan tâm, đó là: 
* Tổ chức kiểm định khu vực tư đã được trao đầy đủ thẩm quyền, đủ năng lực để tiến hành kiểm định hầu hết các cơ sở, chương trình đào tạo chưa? Đây là vấn đề được đặt ra khi tổ chức kiểm định khu vực tư tiến hành đánh giá đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo có tính đặc thù, thiết yếu (an ninh quốc gia, bảo trợ xã hội, hoạt động chuyển giao...)? Các chương trình đào tạo chuyển giao quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện thì tổ chức kiểm định hiện hành có đủ thẩm quyền, năng lực để đánh giá không hoặc có thể đây lại là hoạt động đánh giá lại? Vấn đề các tổ chức kiểm định khu vực tư có đảm trách sứ mệnh, nhiệm vụ trong các bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng, suy thoái kinh tế, đại dịch, chiến tranh...?
Do vậy, câu hỏi đặt ra nếu các tổ chức kiểm định khu vực tư không thể hoặc chỉ có thể thực hiện được phần nào đó thì Nhà nước có cần phải thiết lập mô hình như tổ chức Kiểm định Vùng hay không?!
* Cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định kết quả xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là vấn đề đang còn bỏ ngỏ, chưa được luật hóa? Theo pháp luật hiện hành thì hoạt động này chưa được giao cho các tổ chức kiểm định hiện hành, hơn nữa đây là hoạt động đánh giá có tính đặc thù (tự chủ). Vấn đề đặt ra tổ chức kiểm định (khu vực công – tư) nào sẽ thực hiện hoạt động đánh giá đặc thù (chưa được luật hóa) này? Tổ chức Kiểm định Vùng có phải là phù hợp để đánh giá, thẩm định kết quả xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay không?
* Đối với hoạt động quản lý ngân hàng đề thi, quản lý, phát triển đội ngũ kiểm định viên quốc gia đặt ra vấn đề đó là quy mô bộ máy, cơ cấu tổ chức và số lượng đội ngũ hiện hành có đảm đương? Công tác quản lý ngân hàng đề thi sát hạch kiểm định viên và quản lý, phát triển đội ngũ kiểm định viên quốc gia là hoạt động quan trọng, quyết định chất lượng kiểm định giáo dục nghề nghiệp cho nên yêu cầu trước hết là phải có tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực tương xứng để hoàn thành sứ mệnh đề ra. Việc đảm bảo quy mô, tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực thực hiện công tác quản lý, phát triển đội ngũ kiểm định viên quốc gia, quản lý ngân hàng đề thi sát hạch kiểm định viên là cần thiết nhưng hiện nay để thực hiện được điều này rất khó khăn, do đó việc phân quyền triển khai các hoạt động này cho tổ chức sự nghiệp khu vực công là phù hợp, khả thi.
* Kinh nghiệm quốc tế: Kiểm định chất lượng giáo dục là mô hình quản lý đã triển khai thành công ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Úc, New Zealand, Canada, Trung Quốc, ASEAN ....Ngoại trừ Mỹ, Phi líp pin, còn hầu hết chính phủ các nước đều không ủy quyền toàn bộ chức năng kiểm định chất lượng giáo dục cho các tổ chức, cá nhân khu vực tư mà chỉ ủy quyền hạn chế, có kiểm soát trong một số lĩnh vực, hoạt động giáo dục nhất định. Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Tóm lại, từ những luận cứ đã được phân tích ở trên cho thấy chỉ có nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khu vực công mới có thể đảm trách, giải quyết hầu hết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp, điều mà các tổ chức, cá nhân khu vực tư không thể hoặc khó có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay chúng ta thấy đang thiếu hẳn “hình bóng” của các tổ chức kiểm định chất lượng khu vực công.
3. Đề xuất mô hình Tổ chức Kiểm định Vùng
3.1. Sứ mệnh:
Tổ chức Kiểm định Vùng có vị trí quan trọng trong cấu trúc quản trị quốc gia giúp phát triển các hoạt động của hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong điều kiện mà nguồn lực trung ương, địa phương còn hạn chế, cần được chia sẻ gánh nặng. Tổ chức Kiểm định Vùng đảm nhận sứ mệnh cao cả điều mà các tổ chức kiểm định khu vực ngoài nhà nước không thể hoặc khó thực hiện. Trong vai trò là tổ chức kiểm định phạm vi vùng của nhà nước tổ chức Kiểm định Vùng đảm trách vai trò tham vấn, điều phối và triển khai các hoạt động phát triển hệ thống kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi vùng hoạt động.
3.2. Chức năng chính:
-  Tổ chức đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo trong các lĩnh vực đặc thù, thiết yếu.
-  Tổ chức đánh giá theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường cao đẳng chất lượng cao, chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình chuyển giao quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
-  Tổ chức đánh giá lại kết quả kiểm định chất lượng cơ sở, chương trình đào tạo của các tổ chức kiểm định theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-  Tổ chức đánh giá, thẩm định báo cáo xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của trường cao đẳng chất lượng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3.3. Phạm vi hoạt động:
Dựa theo phân bố địa lý, lý thuyết cấu trúc quản trị đa cấp độ để thiết lập phạm vi hoạt động của tổ chức Kiểm định Vùng theo 03 miền (vùng), đó là miền Bắc, Trung và miền Nam. Mỗi miền sẽ có một trung tâm kiểm định vùng để thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi hoạt động.
4- Kết luận
Việc nghiên cứu, đề xuất thiết chế tổ chức Kiểm định Vùng dựa trên cơ sở lý luận quản lý, quản trị công là hết sức cần thiết, cần được sự quan tâm sâu sắc của các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Vấn đề thiết lập tổ chức Kiểm định Vùng rất thuận lợi, hợp lý và hợp pháp bởi vì các nhà hoạch định chính sách đã có đầy đủ cơ sở pháp lý từ cấp độ văn bản cao nhất là luật, đồng thời các luận cứ thực tiễn cũng rất đa dạng, phù hợp, đặc biệt là các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Bài viết đã được tác giả phân tích, đưa ra một số vấn đề mang tính gợi mở có thể giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách quyết định nhanh hơn trong việc thiết lập mô hình tổ chức Kiểm định Vùng góp phần đảm bảo, nâng cao hiệu lực quản lý, quản trị hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói chung, hệ thống quản lý chất lượng giáo dục nghề nghiệp nói riêng nhằm hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập quốc tế./.
Nguyễn Thừa Thế Đức, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước