Sơn La tổ chức Lễ phát động -Tháng hành động vì trẻ em năm 2018
(LĐXH) - Ngày 29/5/2018, tại thành phố Sơn La, Sở Lao động –Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với một số cơ quan chức năng tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018 với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”…
Đồng chí Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đến dự và phát biểu khai mạc Lễ phát động. Đến dự có các đ/c đại diện lãnh đạo của các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, đặc biệt là sự có mặt của hơn 500 đại biểu là cán bộ công chức, viên chức, đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang và học sinh, giáo viên đến từ thành phố sơn La.
Tháng hành động vì trẻ em (từ ngày 1/6 đến ngày 30/6 hàng năm) đã trở thành hoạt động truyền thống cao đẹp vận động toàn xã hội quan tâm đến trẻ em, huy động có hiệu quả sự hưởng ứng của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giải quyết những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, Đảng bộ và nhân dân Sơn La vẫn tập trung mọi nỗ lực, ưu tiên giải quyết các mục tiêu vì trẻ em. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tăng cường. Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Nhờ vậy công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: Hầu hết các đối tượng trẻ em đều đã được quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ bạo lực, xâm hại trẻ em, đem lại cuộc sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em tạo điều kiện cho trẻ em phát triển về mọi mặt trong hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí lành mạnh, phát triển toàn diện.
Đối với việc phổ biến giáo dục kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, lành mạnh và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được các cấp ủy Đảng chính quyền, các ngành, các tổ chức xã hội quan tâm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành được thực hiện đồng bộ, toàn diện về triển khai “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường để thực hiện Luật trẻ em. Nhờ đó, nhận thức của người dân về phòng ngừa, xâm hại tình dục và bạo lực đôi với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em ngày càng được quan tâm nhiều hơn...Các hoạt động vui chơi, giải trí dành nhiều cho trẻ em; thu hút ngày càng nhiều học sinh, giáo viên tham gia tiêu chí phòng ngừa, bạo lực, xâm hại trẻ em, tăng cường giáo dục giới tính cho học sinh thông qua giờ học chính khóa, ngoại khóa của nhà trường; hướng dẫn kỹ năng, biện pháp giúp trẻ em, học sinh nâng cao năng lực nhận biết, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em; kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho trẻ em; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực kịp thời thông tin về đường dây nóng miễn phí 111 để được hỗ trợ tư vấn.
Nhân dịp Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2018, phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ GENERALI Việt Nam đã trao 30 suất học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong học tập học lực khá trở lên (mỗi suất 1.000.000 đ), với số tiền 30 triệu đồng.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn nhiều, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực vẫn còn diễn ra phức tạp; không ít trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa được trợ giúp đầy đủ, kịp thời; việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em chưa thường xuyên. Cơ sở hạ tầng cho vui chơi giải trí của trẻ em còn nhiều thiếu thốn. Môi trường sống xung quanh trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho trẻ em. Toàn tỉnh hiện có 327.878 trẻ em, có 61.100 trẻ em sống trong các gia đình nghèo và trên 21.000 trẻ em thuộc hộ cận nghèo (theo tiêu chí nghèo đa chiều), trên 9.097 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có trên 2.971 trẻ em được hưởng trợ cấp thường xuyên), mỗi năm có gần 20 vụ bị xâm hại.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động trong Tháng hành động năm 2018, khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, đảm bảo cho công tác này đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Trần Văn Ngọc, phó giám đốc Sở Lao động -TBXH đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:
- Thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan để Luật trẻ em và các quy định được triển khai thực hiện có hiệu quả, hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 2017.
- Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
- Tổ chức rà soát, thu thập thông tin tình hình trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn tỉnh; Phối hợp liên ngành thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em; Khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực kịp thời thông tin qua Tổng đài điện thoại quốc gia 111 và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để được hỗ trợ tư vấn.
- Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” tích hợp việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giáo dục công đồng, tích cực cho học sinh vào trong giáo dục trong nhà trường.
- Tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em, có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực trẻ em.
- Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em./.
NHB
TAG: