Sơn La: Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh và bền vững
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới, dân số gần 1,2 triệu người gồm 12 dân tộc cùng chung sống, với 12 huyện, thành phố, 204 xã, phường, thị trấn, 3.324 tổ, bản, tiểu khu (trong đó có 1.708 bản đặc biệt khó khăn; 17 xã biên giới, 112 xã khu vực III, 66 xã khu vực II và 26 xã khu vực I). So với cả nước, tỉnh Sơn La có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Tính đến đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 34,44%, đến cuối năm 2018 giảm còn 25,42%. Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La được Chính phủ phê duyệt gồm 5 huyện nghèo: Phù Yên, Bắc Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp. Chương trình được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là chủ trương lớn và là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Với mục tiêu cơ bản của Nghị quyết là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các huyện nghèo xuống dưới 40% vào năm 2010, 25% năm 2015 và 15% năm 2020, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương; Giao các ngành, các huyện nghèo chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo đến cơ sở và các đối tượng được thụ hưởng.
Trong giai đoạn 2009-2018, tỉnh được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 2.038 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 677 tỷ đồng), cùng với nguồn hỗ trợ khác cho các huyện nghèo từ các doanh nghiệp, đơn vị, tỉnh Sơn La đã triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Theo đó, các huyện nghèo đã thực hiện hỗ trợ hơn 97.000 lượt hộ nghèo về giống cây, con, phân bón, cải tạo vườn cây, giống cỏ với kinh phí hơn 178 tỷ đồng; hỗ trợ 1 lần cho 1.227 hộ nghèo tạo diện tích nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ hơn 9.000 hộ làm chuồng trại chăn nuôi. Hỗ trợ hộ nghèo khai hoang tạo 453 ha nương rẫy cố định; khai hoang, phục hóa 610 ha ruộng nước, 600 ha ruộng bậc thang; hỗ trợ 546 hộ nghèo có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp tạo thu nhập với kinh phí 2.730 triệu đồng (định mức 5 triệu đồng/hộ).
Nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã phát triển kinh tế gia đình
Các huyện nghèo đã bố trí cán bộ khuyến nông cơ sở, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật, bố trí kinh phí triển khai thực hiện các mô hình khuyến nông cho người dân như mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc, nuôi cá lồng, sản xuất lúa thuần… Thông qua các chính sách đã góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về chăm sóc, phát hiện, phòng và trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng xuất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Cùng với chính sách tăng cường, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; chính sách cử tuyển; chính sách hỗ trợ chi phí học tập, miễn, giảm học phí, nấu ăn bán trú …. đã có những tác động tích cực đến chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện nghèo và toàn tỉnh. Tỉnh Sơn La đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2007, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2008 và công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2014.
Từ nguồn vốn của Nghị quyết 30a và các chương trình khác, các huyện nghèo đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp UBND các xã tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người dân và triển khai chương trình đào tạo nghề. Trong 10 năm, đã mở 545 lớp đào tạo nghề cho hơn 16.500 lao động, với những ngành nghề chủ yếu như kỹ thuật trồng ngô thương phẩm, kỹ thuật nề xây dựng, chăn nuôi gia súc, nuôi gà thả vườn, sửa chữa xe máy, gò hàn, may công nghiệp... Qua chính sách đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, cơ cấu lao động đã từng bước chuyển dần từ lao động thủ công đơn thuần, kỹ thuật canh tác lạc hậu sang ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nuôi trồng giống mới, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, từ nguồn vốn đầu tư của Nghị quyết 30a, các huyện đã tập trung đầu tư xây dựng mới và duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... Trong giai đoạn 2009-2018, các huyện nghèo đã đầu tư xây dựng được 502 công trình, nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu của các huyện nghèo đã có những thay đổi tích cực; mức sống và thu nhập của hộ nghèo được cải thiện rõ rệt; diện mạo của bản, làng nông thôn các huyện nghèo đã có nhiều khởi sắc. Đa số các công trình đầu tư phục vụ sản xuất và đời sống của người dân được xây dựng kiên cố, khang trang, đã và đang phát huy hiệu quả tốt.
Để góp phần vào mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung huy động các nguồn vốn nhằm đảm bảo vốn vay cho các huyện nghèo giúp người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm mới... Trong giai đoạn 2009-2018, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi 3.026 triệu đồng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có trên 90.000 lượt hộ nghèo, 6.900 hộ cận nghèo và 2.000 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; trên 7.000 lượt hộ được vay vốn đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 9.500 lượt hộ được vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn; gần 3.300 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay ưu đãi để có điều kiện tham gia học tập.... Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của các huyện nghèo.
Từ năm 2009-2018, các doanh nghiệp được phân công giúp đỡ các huyện nghèo đã hỗ trợ 71.018 triệu đồng, lũy kế từ đầu chương trình các đơn vị đã hỗ trợ cho các huyện 71.018/109.225 triệu đồng, đạt 65% kế hoạch cam kết. Từ nguồn lực hỗ trợ của các doanh nghiệp, các huyện nghèo đã tập trung thực hiện kịp thời, có hiệu quả vào các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, qua đó góp phần giúp các huyện nghèo đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Có thể nói, với việc triển khai đồng bộ chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2011-2015: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Sơn La giảm từ 31,91% năm 2011 xuống còn 21,47% năm 2015 theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ, giảm bình quân 2,61%/năm. Giai đoạn 2016-2018: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 31,91% năm 2016 xuống còn 25,42% năm 2018 theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, giảm bình quân 3,2%/năm.
Tại các huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại 5 huyện nghèo giảm từ 35,44% năm 2016 xuống còn 32,5% vào năm 2017 (giảm 2,94%/năm). Năm 2018, có 02 huyện thoát nghèo (Phù Yên, Quỳnh Nhai) theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ và 01 huyện được công nhận là huyện nghèo (Vân Hồ). Đến nay, tỉnh còn 04 huyện nghèo là Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp, Vân Hồ; tỷ lệ hộ nghèo bình quân tại 04 huyện nghèo năm 2018 là 34,95%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30a ở Sơn La vẫn còn một số tồn tại, khó khăn như: Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm theo từng năm, cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch đề ra song tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các huyện nghèo còn cao chưa đạt mục tiêu của Nghị quyết 30a. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo cao; số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo. Công tác tổ chức chỉ đạo, thực hiện của 5 huyện 30a có nội dung chưa tập trung, quyết liệt, chưa chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép các chương trình, dự án theo mục tiêu, nhiệm vụ và thứ tự ưu tiên đầu tư thực hiện. Sự phối hợp trong công tác tham mưu, đề xuất của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có lúc, có việc chưa thường xuyên, hiệu quả. Việc thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành đôi khi còn chồng chéo, công tác phối hợp trong kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời, chất lượng chưa cao.
Với mục tiểu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 19%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo của các huyện 30a giảm còn khoảng 26% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, thời gian tới tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân xác định rõ trách nhiệm trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện và giám sát chương trình, không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách; tích cực, chủ động tham gia các chương trình giảm nghèo. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp từ tỉnh đến cơ sở về thực hiện các chính sách giảm nghèo. Thống nhất về cơ chế lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện đồng bộ, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra của các cấp, các ngành, đoàn thể để đánh giá tiến độ, hiệu quả triển khai thực hiện các chính sách. Tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở và theo yêu cầu nhiệm vụ của chương trình./.
Hồng Phượng
TAG: