An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Sóc Trăng phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ 2 năm 2018
05:48 PM 09/05/2018
(LĐXH) – Nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lĩnh vực này trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ngày 8/5, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Vĩnh Châu tổ chức Lế phát động “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” tỉnh Sóc Trăng lần thứ 2, năm 2018.
Lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ban, ngành tham dự Lễ phát động
Tham dự, có ông Ngô Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tỉnh; ông Lê Hoàng Điện – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội – Phó Trưởng Ban cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh và huyện; các doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn và hơn 500 công nhân lao động trên đại bàn thị xã Vĩnh Châu.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 03 vụ tai nạn lao động, làm chết 03 người (trong đó 02 vụ thuộc khu vực có quan hệ lao động và 01 vụ thuộc khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động), thiệt hại gây ra gần 1 tỷ đồng (bao gồm các khoản chi phí mai táng và bồi thường cho gia đình nạn nhân), cả 03 nạn nhân đều là nam. Các yếu tố chủ yếu làm chết người  là do điện giật và bị thiết bị thang nâng hàng tự chế chèn ép lồng ngực. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động nêu trên chủ yếu là do người sử dụng lao động chủ quan, chỉ chú trọng vào sản xuất tạo nhiều lợi nhuận, chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ, chưa có quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn lao động, sử dụng thiết bị thiếu kiểm tra an toàn, không tổ chức huấn luyện kỹ năng an toàn lao động cho người lao động, nhất là người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Bên cạnh đó, người lao động chủ yếu vi phạm các quy trình, biện pháp an toàn, không sử dụng các thiết bị và phương tiện bảo hộ cá nhân. Về phía các cơ quan Nhà nước cũng chưa làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm.
Ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại  buổi lễ
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cùng toàn thể cán bộ và nhân dân lao động trong tỉnh hãy tích cực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ 2, năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”; không ngừng cải thiện môi trường lao động; ra sức thi đua thực hiện tốt phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp” và khẩu hiệu “Sản xuất phải an toàn – An toàn để sản xuất”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có rất nhiều lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, trong đó lĩnh vực chế biến thủy sản chiếm khoảng 33,37% tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, lực lượng lao động này đã đóng góp to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế hàng năm của địa phương. Trong quá trình lao động sản xuất, người lao động thường xuyên phải đối mặt với các sự cố về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khi có sự cố xảy ra sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của người lao động, đồng thời cũng gây tổn thất không nhỏ đến người sử dụng lao động. Vì thế, công tác bảo hộ lao động, công tác đảm bảo ATVSLĐ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp tại mỗi doanh nghiệp là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng hiện nay.
Đại diện lãnh đạo thị xã Vinh Châu và các huyện tham dự Lễ phát động
Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Sóc Trăng được diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 30/5/2018 nhằm tăng cường trách nhiệm và sự chủ động của doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện nghiêm các văn bản, quy định về ATVSLĐ. Các hoạt động của Tháng hành động tập trung vào công tác huấn luyện, đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về văn hóa ATVSLĐ và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc, coi đây là bước đột phá nhằm đưa chính sách pháp luật về ATVSLĐ đến đông đảo người lao động, góp phần làm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng tài sản, sức khỏe người lao động.
Tham dự Lễ phát động còn có công nhân, viên chức và người lao động trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu
Bà Nguyễn Thị Nhiên – Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết: Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ là nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Nhiên – Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu phát biểu tại buổi lễ
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động thị xã Vĩnh Châu cũng đã kêu gọi đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động thực hiện tốt các quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn tại điều 9, điều 10 của Luật ATVSLĐ năm 2015. Phân công cán bộ công đoàn cơ sở am hiểu về thiết bị, công nghệ, đặc điểm về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo mạng lưới an toàn, vệ sinh viên. Tuyên truyền, phổ biến về công tác ATVSLĐ và các chế độ, chính sách về quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ và người sử dụng lao động về công tác này; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên cho người lao động. Vận động đoàn viên, CNVCLĐ thi đua phát huy sáng kiến, cùng với chính quyền và NSDLĐ cải thiện điều kiện làm việc gắn với phong trào xây dựng doanh nghiệp “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động”; kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ, giúp người lao động và người sử dụng lao động thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của các bên bên trong công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp.
Các đơn vị, doanh nghiệp, Đoàn thanh niên tại buổi lễ
Tại Lễ phát động, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã đề nghị các sở, ngành, địa phương, các đoàn thể và doanh nghiệp, người lao động cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, các sở, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về an toàn vệ sinh lao động theo từng năm, tháng, quý và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện.
Hai là, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện và nâng cao nhận thức về văn hóa an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp và người lao động, xem đây là bước đột phá nhằm đưa chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đến với công nhân lao động.
Ba là, người sử dụng lao động phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về chế độ bảo hộ lao động cho người lao động; chủ động rà soát, áp dụng các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tự kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng theo quy định.
Bốn là, người lao động hãy vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng mà tự giác thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động tại doanh nghiệp.
Năm là, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn về công tác ATVSLĐ cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn nữa; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm các quy định về ATVSLĐ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Hà Giang
 

 

           

 

 

 

           

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững