Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Sóc Trăng: Nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm hiệu quả
03:16 PM 15/12/2021
(LĐXH) - Trong hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 (Đề án 1956), tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình dạy nghề cho LĐNT, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo trên địa bàn.

Mô hình đào tạo nghề nghề may công nghiệp cho lao động động thôn theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm bền vững ở Sóc Trăng

Xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả

Theo đánh giá của bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong 10 năm qua, Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã gắn với giải quyết việc làm được tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó giúp lao động nông thôn thấy được sự cần thiết đối với việc học nghề và tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã hợp tác với doanh nghiệp để gửi học sinh, sinh viên, người học nghề thực tập tại doanh nghiệp, đồng thời mời cán bộ kỹ thuật, kỹ sư của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, tham gia xây dựng chương trình đào tạo; mời doanh nghiệp tham gia tư vấn, tuyển dụng tại các buổi đối thoại, lễ trao bằng tốt nghiệp. Các ngành, nghề liên kết, hợp tác đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp được đánh giá mô hình đạt hiệu quả rất thiết thực. Cụ thể: người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm, được các công ty, doanh nghiệp tuyển vào làm việc, có thu nhập ổn định, nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần, kinh tế gia đình được nâng lên sau khi học nghề.

Theo đánh giá, các nghề đào tạo đạt hiệu quả như: Công nghệ ôtô, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, chế biến thực phẩm,... trên 95% học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, với mức thu nhập bình quân từ 05 triệu đồng đến 08 triệu đồng/tháng. Hiệu quả của Đề án 1956 đã  giúp người lao động nông thôn có nghề nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, đời sống được cải thiện, góp phần thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.  Đồng thời, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được gắn với việc tạo sinh kế sau đào tạo, như: đào tạo gắn với mở cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; đào tạo gắn với việc làm hiện có của hộ gia đình; đào tạo gắn với việc làm tại công ty, doanh nghiệp; đào tạo gắn với hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất, dịch vụ; đào tạo gắn với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đào tạo phục vụ khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Điểm nổi bật trong 10 năm triển khai,  thực hiện Đề án 1956 ở Sóc Trăng, qua từng giai đoạn, lao động nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập thấp nhất từ 1,5 triệu đồng/tháng, cao nhất lên đến 13 triệu đồng/tháng, bình quân từ 04 triệu đồng/tháng đến 07 triệu đồng/tháng. Đặc biệt đào tạo gắn với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu) có mức thu nhập từ 8 triệu đồng/tháng đến 10 triệu đồng/tháng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các mô hình giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động nông thôn như: được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động chiếm 21,3%, được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chiếm 14,6%, tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất, thu nhập tăng lên chiếm 62,7%, tự thành lập doanh nghiệp, tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất chiếm 1,4%, tham gia lao động ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm 0,2%, số hộ gia đình có người tham gia học nghề được thoát nghèo chiếm 6,4%, trở thành hộ có thu nhập khá chiếm 4,1%.

Trong những năm qua tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Tổng Công ty May Nhà Bè tại Sóc Trăng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm bền vững

Các ngành, nghề đào tạo trong lĩnh vực phi nông nghiệp đạt hiệu quả bền vững như: nghề kỹ thuật xây dựng cơ bản (theo nhu cầu đào tạo công nhân xây dựng của các công ty xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố), nghề may công nghiệp (theo nhu cầu của công ty trong lĩnh vực may mặc như: Công ty Cổ phần may Nhà Bè Sóc Trăng, Công ty TNHH Broadspeak Sóc Trăng, Công ty TNHH Dintsun Việt Nam,...), nghề may bao tay (cơ sở may bao tay Trần Điền tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng), các nghề: điện dân dụng, điện công nghiệp, cắt - uốn tóc, sửa xe gắn máy, sửa điện thoại di động, đan đát hàng thủ công mỹ nghệ, ... sau học nghề người lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định (bình quân từ 02 đến 06 triệu đồng/tháng). Đặc biệt mô hình nghề may công nghiệp, điện gia dụng, sửa chữa điện tử, sửa chữa điện thoại di động, cắt - uốn tóc, sửa xe gắn máy, đan ghế giả mây,... người lao động sau khi học nghề tự thành lập cơ sở riêng như: may công nghiệp thị xã Ngã Năm, thị xã Vĩnh Châu, huyện Thạnh Trị, huyện Kế Sách, huyện Long Phú, huyện Mỹ Xuyên....; cơ sở đan ghế giả mây, đan giỏ dây nhựa ở thị xã Vĩnh Châu và các huyện: Long Phú, Châu Thành, Thạnh Trị, Mỹ Xuyên, Trần Đề, Kế Sách; sửa xe gắn máy tại huyện Kế Sách, Long Phú, thị xã Vĩnh Châu,....

Bên cạnh đó, các ngành, nghề đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt hiệu quả cao như: đào tạo gắn với việc làm tại chỗ, gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trong nông nghiệp, kỹ thuật nuôi bò (bò lấy thịt, lấy sữa,...), nuôi heo (heo lấy thịt, heo sinh sản,...), nuôi gà thả vườn, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, trồng cây có múi, trồng lúa chất lượng cao, nuôi lươn, nuôi ong,… Các hộ gia đình tham gia học nghề nông nghiệp được trang bị kiến thức, kỹ năng: xây dựng chuồng trại, cách phòng, ngừa, chẩn đoán bệnh, cách phối giống và tiêm thuốc phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi, cây trồng,... Người lao động sau học nghề tự tin, chủ động hơn trong vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Qua đó, giúp các hộ gia đình tăng năng suất, giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, thu nhập cho bản thân và gia đình trong sản xuất nông nghiệp.

Song song đó, Đề án 1956 đã góp phần nâng cao nhận thức, dân trí, phát triển năng lực sản xuất của xã hội, giảm áp lực về các vấn đề xã hội phát sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các địa phương trong tỉnh. Mặt khác, Đề án 1956  đã tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho người lao động, không phân biệt đối xử giữa nữ giới và nam giới, giữa các dân tộc,... trong thực hiện chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm.

Nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm hiệu quả 

Đến tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ. Công tác tuyển sinh những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, ngành, nghề năng khiếu, kết quả tuyển sinh còn thấp, có ngành, nghề không tuyển được người học. Công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông sang học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra.

Chính vì vậy, để thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đã đề ra các mục tiêu,  kế hoạch, giải pháp trọng tâm thực hiện như: Tập trung đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; đặc biệt là ý nghĩa, lợi ích của việc định hướng phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông,… sang học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Tỉnh tiếp tục rà soát nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề theo ngành, nghề cụ thể của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đánh giá thực trạng của các giáo dục nghiệp cấp huyện về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đội ngũ quản lý, giáo viên, kết quả, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, giáo dục tổng hợp, hướng nghiệp để đề ra phương án sắp xếp đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác  liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng nhiều lao động có tay nghề trong và ngoài tỉnh (kể cả ngoài nước) cùng hợp tác thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm.  Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Dự án “Đầu tư phát triển ngành, nghề trọng điểm đến năm 2025” của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng và Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng. Đồng thời, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030./.

Hoàng Cảnh

TAG:
Tin khác
Trường Trung cấp Kỹ thuật Nghiệp vụ Kiên Giang ký kết hợp tác với Công Ty Cổ Phần Viễn Thông FPT
Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành mở khóa đào tạo về xu hướng làm đẹp dành cho các học viên đến từ Campuchia
Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Lễ trao bằng đợt 2 năm 2024 cho 216 học sinh sinh viên
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, Trường Đại học City St George’s - Đại học London và CEFALT ký kết hợp tác chiến lược
Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tại TP.HCM vào học nghề bình quân mới đạt hơn 26%.
Hơn 400 tân sinh viên một trường nghề dự sự kiện “Kết nối doanh nghiệp - Kết nối tương lai”
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tiếp đón và làm việc với đoàn công tác bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức
Huyện Kế Sách: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
Hiện thực hóa việc học Đại học bằng chương trình học bổng 100% tại Đại học Công nghệ Đông Á