Sóc Trăng: Đẩy mạnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Theo đó, Tỉnh ủy Tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 188/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND ngày 12/11/2021 về phát triển Nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030,.. và chỉ đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện đạt được kết quả bước đầu, đáng ghi nhận.
Bà Lục Bích Phúc - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Năm 2023, là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14. Trong nửa nhiệm kỳ qua, trước thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xe, Tỉnh uỷ Tỉnh Sóc Trăng đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương; cụ thể hoá và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với quyết tâm và hành động quyết liệt, thể hiện trách nhiệm cao trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo vừa xem trọng tính toàn diện, nhưng có tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, nhiệm vụ trọng tâm, có tính đột phá, tăng tốc để thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, kinh tế của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ; đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 7,71% (cao nhất kể từ năm 2011 đến nay), GRDP tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 là 5,76%/năm; ước GRDP bình quân đầu người năm 2023 (60,3 triệu đồng/người/năm) tăng 1,3 lần so với năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề tỉnh Sóc Trăng trong lễ nhận bằng tốt nghiệp
Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Công tác chăm lo phát triển văn hoá, giáo dục - đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân được chú trọng. Chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Quốc phòng - an ninh được củng cố; tình hình chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Theo đánh giá của tỉnh Sóc Trăng, địa phương có xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo cao; là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (người Khmer chiếm hơn 30%, người Hoa chiếm hơn 5%); tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm 53,6%; kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, thời gian qua, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chương trình hành động, đề án, chính sách triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, có nhiều chủ trương, chính sách phát triển nguồn nhân lực và nguồn lao động để không ngừng vươn lên đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để xây dựng đội ngũ lao động vừa có trình độ, vừa giỏi chuyên môn, tay nghề, ra sức cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tỉnh Sóc Trăng luôn chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm để xây dựng đội ngũ lao động vừa có trình độ, vừa giỏi chuyên môn, tay nghề, ra sức cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 khâu đột phá chiến lược nhằm khơi thông, liên kết, tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm tới của tỉnh; trong đó, đột phá đầu tiên là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng từng bước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Để cụ thể hoá Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 06, ngày 11/7/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm “Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của địa phương, đơn vị, là nhân tố quan trọng quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 nhiệm kỳ 2020-2025, là một trong những yếu tố quyết định đối với quá trình lao động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát triển hiệu quả”.
Thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 11/7/2021 của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Đề án số 02, ngày 12/11/2021 về Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Sóc Trăng chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Qua đó, chất lượng nguồn lao động của tỉnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội từng bước được nâng lên, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất; giáo dục và đào tạo; chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ người dân; phát triển du lịch;… Đặc biệt, trong sản xuất, kinh doanh, đội ngũ lao động ở các công ty, doanh nghiệp là lực lượng trực tiếp tiếp nhận, làm chủ và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện và các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường;…
Tuy nhiên, thị trường lao động tỉnh Sóc Trăng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cụ thể như: Chất lượng lao động tại tỉnh chưa có tính cạnh tranh so với các tỉnh, thành khác trong khu vực; Tình trạng di cư cao; lao động có tay nghề, trình độ có xu hướng di cư đến những tỉnh, thành có thu nhập cao hơn; Chất lượng đầu vào của các cơ sở đào tạo chưa cao, chất lượng đào tạo nghề từng lúc chưa đáp ứng yêu cầu; Lực lượng lao động chưa làm “hài lòng” doanh nghiệp, số lượng và trình độ của lao động trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp;…
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc là là mục tiêu then chốt được tỉnh Sóc Trăng đưa vào Nghị quyết
Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn lao động của tỉnh trong thời gian tới, phấn đấu thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu số 16 của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 30%. Tỷ lệ lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 85%). Tỉnh Uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động dịch vụ việc làm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hai là, quan tâm nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn lao động hiện có; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng lao động trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là trong việc ứng dụng thành công các tiến bộ của Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; xác định công tác xây dựng lực lượng lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ba là, thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng trình độ lực lượng lao động và công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn; có kế hoạch sắp xếp, đào tạo, bố trí, sử dụng lao động phù hợp; quan tâm đến đội ngũ lao động trẻ, trí thức có trình độ cao.
Bốn là, phát huy tốt vai trò của đội ngũ trí thức, lao động có trình độ, tay nghề cao; tạo môi trường và điều kiện để đội ngũ này hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất, được hưởng đầy đủ lợi ích tương xứng với kết quả sáng tạo của mình; tạo điều kiện để trí thức, lao động phát triển bằng chính phẩm chất và tài năng để cống hiến cho địa phương.
Năm là, khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp, mô hình, các làm hay để nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương, đơn vị, ngành mình quản lý góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian tới.
Có đội ngũ nhà giáo chất lượng mới tạo ra được lực lượng lao động có chuyên môn cao, giỏi tay nghề, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế.
Sáu là, tăng cường công khai, minh bạch thông tin trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, thông tin các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, nhu cầu đào tạo lao động của các doanh nghiệp,...; đặc biệt là những thông tin đánh giá, phản ánh vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp (về công tác liên kết, phối hợp đào tạo, chất lượng đào tạo, cung ứng lao động có trình độ tay nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm,…)
Bảy là, tiếp tục tổ chức gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu tổ chức cần phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phân tích, đánh giá có so sánh thực trạng nguồn lao động trong doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả.
Tám là, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng nguồn lao động, bảo đảm phát triển lực lượng lao động trẻ, chất lượng cao. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan liên quan thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng, đào tạo lao động trong doanh nghiệp; làm tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động theo yêu cầu.
Vương Linh