Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Sổ tay sức khỏe người di cư – cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc
12:17 PM 22/07/2022
(LĐXH)- Ngày 22/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức cuộc họp chuyên đề giới thiệu Sổ tay sức khỏe người di cư.
Tham dự có ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; bà Aiko Kaji, Chuyên gia sức khỏe di cư IOM tại Việt Nam cùng đại diện gần 60 doanh nghiệp có tham gia hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đại diện các doanh nghiệp có hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc theo hợp đồng dự cuộc họp
Tại cuộc họp, ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Hoạt động đưa người lao động Việt nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp của các doanh nghiệp, địa phương. Nhất là sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài về mặt kỹ thuật, tài chính trong hoạt động xây dựng và phổ biến văn bản pháp luật, nâng cao năng lực hoạt động của các bên liên quan, của người lao động và tăng cường công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động ở nước ngoài.
 Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng thông tin về việc triển khai xây dựng cuốn Sổ tay
“Trong chương trình hợp tác năm 2022 giữ IOM và các cơ quan hữu quan của Việt Nam, trong đó có việc IOM phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai xây dựng cuốn Sổ tay cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe đối với người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Hoạt động này do IOM chủ trì tiến hành và bước đầu được thực hiện đối với 02 thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt nam là Nhật Bản và Hàn Quốc” - Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng, thông tin.
Bà Aiko Kaji đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của nhóm công tác xây dựng cuốn Sổ tay
Theo Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng, đánh giá: Nội dung cuốn Sổ tay sức khỏe người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài rất hữu ích, cung cấp những thông tin cần thiết, cô đọng về dịch vụ chăm sóc sức khỏe đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Cục Quản lý lao động ngoài nước và IOM mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc để có thể sớm hoàn thiện, phát hành cuốn Sổ tay cung cấp cho người lao động trước khi xuất cảnh đi làm việc ở 2 quốc gia này.
Phát biểu tại cuộc họp, Chuyên gia sức khỏe Aiko Kaji, trao đổi: Nghiên cứu cho thấy thực tế điều kiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho người lao động ở nước ngoài ra sao; việc chuẩn bị ngôn ngữ, định hướng vấn đề sức khỏe cho lao động di cư… Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề tồn tại như một số nội dung đào tạo sức khỏe trước khi người lao động xuất cảnh chưa thực sự được đưa chú ý.
Phó trưởng Phòng Thông tin và Tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) Nguyễn Như Tuấn trao đổi tại cuộc họp
“Nhóm công tác kỹ thuật sức khỏe người di cư, Cục Quản lý lao động ngoài nước, IOM đã có tiếp xúc, trao đổi với cơ quan chức năng sở tại, người lao động đang làm việc để tìm hiểu hơn về điều kiện chăm sóc sức khỏe cho lao động di cư ở đó, đồng thời thể hiện cam kết hỗ trợ, đảm bảo dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài” - Chuyên gia sức khỏe Aiko Kaji, cho biết.
Bà Aiko Kaji cũng đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của nhóm công tác và mong Sổ tay sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sớm được đến tay người lao động đang làm việc ở nước ngoài và chuẩn bị xuất cảnh.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoạt động đưa người Việt Nam đi nước ngoài góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, nhất là tại khu vực nông thôn. Nhiều mô hình như ở Hà Tĩnh đã thay đổi bộ mặt địa phương, nguồn lực từ nước ngoài giúp nhiều gia đình xây được nhà mới, con cái đi học với điều kiện tốt hơn.
Đại diện doanh nghiệp trao đổi và tham góp ý kiến vào cuốn Sổ tay
Nhật Bản, Đài Loan là hai thị trường trọng điểm tới 90% số lượng lao động nước ngoài hằng năm. Với xu hướng già hóa dân số của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, nên nhu cầu lao động nước ngoài bù đắp lao động trong nước rất lớn. Vài năm tới, các thị trường này sẽ thu hút lao động nước ngoài, nhất là lao động Việt Nam.
Việt Nam đã có trên 350.000 lượt người lao động tới Nhật Bản theo chương trình thực tập sinh kỹ năng, thu nhập từ 1.200 - 1.400 USD; có 90% lao động đang làm việc tại Hàn Quốc đi theo chương trình EPS, thu nhập của người lao động trung bình từ 1.400 - 1.800 USD. Hiện tại, mô hình lao động mùa vụ đang làm việc với thời gian 3 - 5 tháng được triển khai tại Hàn Quốc với sự ký kết hợp tác giữa các địa phương đạt hiệu quả cao.
Bà Trần Thị Tuyết Lương, cán bộ Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư của IOM Việt Nam, chia sẻ: Nhiều người lao động làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản khó khăn khi tiếp cận dịch vụ y tế đúng cách. Chẳng hạn, nhiều người không biết sử dụng thể BHYT đúng cách, nhiều trường hợp phải trả khoản chi phí chênh lệch do đến cơ sở y tế sai tuyến…  
Phó Cục trưởng Đặng Sỹ Dũng và chuyên gia Aiko Kaji chủ trì cuộc họp
Theo bà Trần Thị Tuyết Lương, người lao động đi các nước này có độ tuổi trẻ dưới 30 tuổi, thiếu kiến thức sinh sản, vẫn giữ thói quen mua thuốc không theo đơn… Do đó, Sổ tay cung cấp thông tin sử dụng BHYT, xử lý khi ốm đau hoặc mắc bệnh truyền nhiễm, chi phí khám sức khỏe thế nào, giành quyền lợi khi gặp tai nạn lao động. Chẳng hạn, sổ tay lưu ý người lao động đảm bảo sức khỏe khi thời tiết giao mùa, quan hệ tình dục an toàn, xử trí khi mắc bệnh truyền nhiễm. Không chỉ vậy, Sổ tay sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ được cập nhật theo hướng trình bày song ngữ, sử dụng các câu hỏi và câu trả lời ngắn, hình ảnh bắt mắt, phát hành theo bản live handbook…
Các đại biểu chụp ảnh chung
Tại cuộc họp, đại diện một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các chuyên gia về sức khỏe của IOM tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến để Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cuốn Sổ tay sức khỏe người di cư và phát hành trong thời gian sớm nhất.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững