Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ninh: Thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm 2022
Nhập ngày 18/10 (LĐXH)- Vượt qua không ít khó khăn, thách thức, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác 9 tháng đầu năm 2022, góp phần đáng kể vào sự phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2022 - năm đầu thực hiện thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, trong điều kiện có nhiều thuận lợi, song cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ, xuất, nhập khẩu hàng hóa khó khăn; đứt gãy chuỗi cung ứng lao động; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ucraina; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng...
Sở LĐTBXH Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, của tỉnh và chương trình, kế hoạch công tác của Sở để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất được giao.
Về lĩnh vực lao động (LĐ), việc làm, tiền lương, BHXH, an toàn lao động, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình việc làm năm 2022; giao chỉ tiêu cho các địa phương thực hiện hỗ trợ tuyển dụng, công tác thu hút tuyển dụng LĐ cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn; hỗ trợ tuyển dụng LĐ cho Ngành Du lịch và các DN trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đề nghị Sở LĐTBXH và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh phía Bắc hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuyển dụng LĐ năm 2022. Triển khai điều tra LĐ và tiền lương trong DN năm 2022 tại 100 DN và đánh giá tình hình thực hiện qui định làm thêm không quá 300 giờ/năm của các DN trên địa bàn tỉnh...
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh
đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Lại, Phường Hoành Bồ, TP Hạ Long, Quảng Ninh
9 tháng đầu năm 2022, đã có 3.534 lượt LĐ trong tỉnh, (đạt 76% kế hoạch năm) được giới thiệu việc làm trong nước, trong đó có 246 người dân tộc thiểu số (đạt 111%) kế hoạch năm. Tạo việc làm tăng thêm đạt khoảng 9.500 LĐ (kế hoạch năm là 13.200 LĐ), trong đó 678 người LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (kế hoạch năm là 400 người). Tỷ lệ LĐ tham gia bảo hiểm xã hội là 43,7% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi LĐ. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 38,4% LLLĐ. 9 tháng đầu năm 2022 tỉnh đã giải quyết hưởng chính sách, chế độ BHTN cho 5.070 LĐ.
Hưởng ứng Tháng Hành động về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022, Sở LĐTBXH đã chủ trì tham mưu cho tỉnh tổ chức Lễ phát động và triển khai các hoạt động tuyên truyền Tháng Hành động về ATVSLĐ. Tổ chức 5 lớp tập huấn về ATVSLĐ cho 310 người LĐ và người sử dụng lao động tại 45 DN trên địa bàn tỉnh.
Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTBXH đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo gắn kết “Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp – Nhà tuyển dụng” trong việc đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của DN với Tập đoàn Sun Group và các đơn vị liên quan. Triển khai thực hiện tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN năm 2022 tại huyện Ba Chẽ, thành phố Uông Bí, thành phố Cẩm Phả với hơn 500 học sinh tham Ngày hội tại mỗi địa phương…Tỷ lệ LĐ qua đào tạo của tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 là 85,8% (kế hoạch năm là 85,85%).
Giáo viên hướng dẫn sinh viên thực hành sử dụng robot hàn tự động tại Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn
Về lĩnh vực người có công và xã hội, Sở LĐTBXH đã tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Quảng Ninh; Quyết định tặng quà người có công (NCC); tổ chức thăm, tặng quà dịp Tết Nguyên đán và tổ chức tốt các hoạt động tri ân NCC nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ.
9 tháng đầu năm 2022, Sở đã chi trả trợ cấp hằng tháng cho 12.566 người với tổng số tiền gần 145,3 tỷ đồng và giải quyết các chế độ chính sách khác như chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, mai táng phí, tuất liệt sỹ, thương binh, thờ cúng liệt sỹ, trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo… cho hàng trăm đối tượng NCC với cách mạng.
Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trên 43 nghìn người với tổng kinh phí khoảng 240 tỷ đồng. Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 0,09% (kế hoạch năm là 0,11%).
Trong lĩnh vực, bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) và bình đẳng giới (BĐG), Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về những lĩnh vực này, phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, LĐ trẻ em; duy trì các mô hình về BVCSTE và thí điểm các mô hình mới; phát triển, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em (TE). Nhờ đó, số TE bị xâm hại, bị tử vong do tai nạn thương tích và vi phạm pháp luật đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Những thành quả trên các lĩnh vực công tác nêu trên chính là kết quả của sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Sở cùng sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ngành LĐTBXH Quảng Ninh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh ./.
Thảo Lan