Rào cản về tiếp cận giáo dục đối với phụ nữ dân tộc thiểu số
(LĐXH) Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số khó tiếp cận với hệ thống giáo dục phổ thông. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết còn thấp. Việc không biết tiếng phổ thông, mù chữ dẫn tới nhiều hệ lụy trong cuộc sống mà họ đang phải gánh chịu.
Theo kết quả một số cuộc điều tra đánh giá về đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy, trong khi một số ít dân tộc thiểu số đã có chuyển biến từ hướng có nhiều trẻ em trai hơn ở cấp trung học sang hướng có nhiều em gái hơn ở cấp học này như Tày, Thái, Chăm thì ở hầu hết các dân tộc thiểu số, tỷ lệ trẻ em gái đi học rất thấp. Có sự phân hóa khá rõ nét ở một số dân tộc, đối với các dân tộc có trình độ phát triển cao thì tỷ lệ học sinh nữ đi học ở bậc trung học phổ thông cao hơn nam giới, nhưng đối với các dân tộc ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn thì tỷ lệ đi học của nữ thấp hơn nhiều so với nam giới. Đặc biệt là các dân tộc rất ít người và các dân tộc cư trú ở vùng biên giới.
Có 14 dân tộc có tỷ lệ học sinh trong độ tuổi bậc trung học phổ thông đang đi học đúng cấp có tỷ lệ từ 30 - 40%. 14 dân tộc chỉ có tỷ lệ trong khoảng 20 - 30%. Đặc biệt là có 19 dân tộc có tỷ lệ dưới 20%, trong đó có 3 dân tộc chỉ có 8% đến 9% trẻ em đi học đúng tuổi ở bậc học này. Trong số 53 dân tộc thiểu số, có tới 49 dân tộc có tỷ lệ đi học dưới 50%. Có 3 dân tộc có tỷ lệ nữ học bậc trung học phổ thông dưới 10% và có tới 16 dân tộc có tỷ lệ chỉ ở mức dưới 20%. Một số dân tộc có tỷ lệ nữ đi học rất thấp như Chứt, Mảng, Xtiêng, Hmông, Dao, La ha,…
Có 14 dân tộc có tỷ lệ học sinh trong độ tuổi bậc trung học phổ thông đang đi học đúng cấp có tỷ lệ từ 30 - 40%. 14 dân tộc chỉ có tỷ lệ trong khoảng 20 - 30%. Đặc biệt là có 19 dân tộc có tỷ lệ dưới 20%, trong đó có 3 dân tộc chỉ có 8% đến 9% trẻ em đi học đúng tuổi ở bậc học này. Trong số 53 dân tộc thiểu số, có tới 49 dân tộc có tỷ lệ đi học dưới 50%. Có 3 dân tộc có tỷ lệ nữ học bậc trung học phổ thông dưới 10% và có tới 16 dân tộc có tỷ lệ chỉ ở mức dưới 20%. Một số dân tộc có tỷ lệ nữ đi học rất thấp như Chứt, Mảng, Xtiêng, Hmông, Dao, La ha,…
Một số công trình nghiên cứu cũng cho thấy, trình độ học vấn của phụ nữ dân tộc thiểu số luôn thấp hơn so với nhóm dân tộc Kinh. Có 20% số phụ nữ dân tộc Kinh cho biết trình độ giáo dục của họ dưới mức tiểu học, trong khi tỷ lệ này ở phụ nữ dân tộc thiểu số dao động từ 41,9% đến 75% (41,9% ở phụ nữ dân tộc theo dòng phụ hệ, 58,9% ở phụ nữ dân tộc theo dòng mẫu hệ và 75% ở các nhóm song hệ), cao hơn 2 - 3 lần so với phụ nữ dân tộc Kinh. Năm 2020, tỷ lệ đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của lao động nữ dân tộc thiểu số chỉ khoảng hơn 10% so với lao động nữ Kinh - Hoa là khoảng 20%. Trình độ của phụ nữ Hmông thấp nhất trong các dân tộc thiểu số, chỉ có khoảng 2% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Số liệu điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ qua các kỳ điều tra cũng cho thấy tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số 15 - 24 tuổi biết chữ đã ngày càng cao song vẫn thấp hơn so với tỷ lệ phụ nữ dân tộc Kinh. Tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết còn chiếm tỷ lệ thấp. Không biết tiếng phổ thông, mù chữ dẫn tới nhiều hệ lụy trong cuộc sống mà họ đang phải gánh chịu. Trong số 53 dân tộc thiểu số, có tới hơn 20% phụ nữ không biết đọc, biết viết, tập trung chủ yếu ở các tộc người cư trú vùng cao, vùng biên giới. Bên cạnh những khó khăn về điều kiện địa lý, những rào cản trong văn hóa tộc người khiến phụ nữ phải dành hầu hết thời gian để lao động sản xuất, làm việc nhà, chăm sóc con cái mà ít có cơ hội được giao tiếp trong cộng đồng. Ngoài ra, một bộ phận đáng kể phụ nữ dân tộc thiểu số lại khá phụ thuộc vào vai trò của nam giới trong gia đình vì họ không thể giao tiếp với người ngoài cộng đồng, khó có thể tiếp cận được các nguồn thông tin và giao tiếp xã hội do mù chữ và không biết tiếng phổ thông.
Mặt khác, phụ nữ dân tộc thiểu số vốn đã quen môi trường giao tiếp bằng tiếng “mẹ đẻ”. Trong điều kiện giao tiếp chủ yếu bằng tiếng dân tộc, sống trong cộng đồng tộc người khá cách biệt với bên ngoài, phụ nữ dân tộc thiểu số lại càng ít có cơ hội giao tiếp bằng tiếng phổ thông và họ càng trở nên tách biệt với thế giới bên ngoài cộng đồng của họ. Cũng do không biết đọc, biết viết, không biết tiếng phổ thông nên mọi thông tin đến với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đều phải thông qua người nam giới. Cũng vì thế mà phụ nữ dân tộc thiểu số ngày càng lệ thuộc nhiều hơn vào vai trò của nam giới trong cuộc sống cá nhân và của gia đình.
Theo số liệu một cuộc khảo sát, có 12 dân tộc có tỷ lệ hộ nghe được các phương tiện thông tin đại chúng như ti vi, đài tiếng nói của trung ương và địa phương ở mức 30 - 40%. Có 7 dân tộc (Bru Vân Kiều, La Ha, La Hủ, Kháng, Khơmú, Mảng, Ơđu) chỉ có 20% số phụ nữ nghe được các phương tiện thông tin đại chúng.
Từ những số liệu trên có thể thấy rõ, tình trạng tiếp cận với giáo dục của phụ nữ dân tộc thiểu số có khoảng cách đáng kể đối với người Kinh và có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Mù chữ đi cùng với không biết tiếng phổ thông, hạn chế trong giao tiếp với người ngoài cộng đồng dẫn tới người phụ nữ luôn tự ty, không mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội và không tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Từ những số liệu trên có thể thấy rõ, tình trạng tiếp cận với giáo dục của phụ nữ dân tộc thiểu số có khoảng cách đáng kể đối với người Kinh và có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm dân tộc thiểu số. Mù chữ đi cùng với không biết tiếng phổ thông, hạn chế trong giao tiếp với người ngoài cộng đồng dẫn tới người phụ nữ luôn tự ty, không mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội và không tiếp thu được các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Đây là một trong những rào cản quan trọng đối với sự phát triển của phụ nữ dân tộc thiểu số hiện nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ không thể tiếp nhận được những tiến bộ khoa học kỹ thuật hay các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển của Chính phủ đối với gia đình và bản thân họ.
Thảo Lan
TAG: