Chiều 10/1 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia chủ trì phiên họp tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2017 của Ban Chỉ đạo.
Dấu ấn quyết liệt
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: “Dấu ấn rất đậm của năm 2016 trong lĩnh vực giảm nghèo là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ để khắc phục những tồn tại hạn chế được chỉ ra trong báo cáo giám sát của Quốc hội. Ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, một khối lượng công việc khổng lồ đã được thực hiện. Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp, đến người nghèo cao như hiện nay khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng gọi đây là sự “bùng nổ”, với sự chung lòng, chung sức từ Chính phủ đến các địa phương và cả hệ thống chính trị. Nhận định của Bộ trưởng được nhiều thành viên Ban Chỉ đạo đồng tình.
Trong năm 2016, cả nước có thêm 15 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015; thêm 828 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 9,2% so với cuối năm 2015. Đến hết năm 2016, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn NTM, cả nước có 2.358 xã (26,43%) đạt chuẩn NTM (vượt 1,43% so với mục tiêu năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 đặt ra).
Hiện chỉ có 257 xã đạt dưới 5 tiêu chí, giảm 69 xã. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã (tăng 1,23 tiêu chí).
Việc xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM cũng có bước chuyển đáng ghi nhận. Trong số các huyện được công nhận đạt chuẩn NTM thì có 14 huyện không còn nợ; 4 huyện đã xử lý xong nợ ngay sau khi công bố đạt chuẩn; huyện Hưng Hà (Thái Bình) giảm từ 92 tỷ đồng nợ xuống còn 8 tỷ đồng; huyện Yên Định (Thanh Hóa) giảm từ 72 tỷ đồng xuống còn 48,2 tỷ đồng.
Theo tổng hợp nhanh của 25 địa phương có số nợ lớn (trên 100 tỷ đồng vào thời điểm 31/1/2016) thì đến nay đã có 17/25 tỉnh đã giảm được số nợ với tổng mức giảm 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8%. Tổng số nợ còn lại đến tháng 12/2016 khoảng 9.654 tỷ đồng (so với mức 15.277 tỷ đồng vào 31/1/2016).
Đối với chương trình giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2016 là năm đầu chuyển tiếp của giai đoạn, nên một số văn bản quy định đối tượng hỗ trợ trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo hết hiệu lực. Trong khi chưa có văn bản mới thay thế, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo UBND các tỉnh tiếp tục áp dụng quy định tại Quyết định 539/QĐ-TTg làm căn cứ lập danh sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Ngân sách đã bố trí khoảng 11.000 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 16 triệu người nghèo. Về chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo, ước tính năm 2016, ngân sách Trung ương bố trí hơn 5.649 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 3,807 triệu em…
Năm 2016 cũng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hơn 27.321 tỷ đồng cho trên 862.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn và trên 21.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm. Chính sách hỗ trợ tiền điện đạt 1.105 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 2 triệu người được hỗ trợ…
Mặc dù cả nước gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn mặn và sự cố ô nhiễm môi trường biển, nhưng ước đến cuối năm 2016, tỉ lệ nghèo cả nước còn 8,58-8,38%, giảm khoảng 1,3-1,5% so với cuối năm 2015.
Ảnh: VGP/Thành Chung
Phải đạt kết quả tích cực hơnKết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng năm 2016 cả nước đã đạt những kết quả tích cực trong xây dựng NTM và giảm nghèo. Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm Chính phủ, các bộ, ngành đã cơ bản hoàn thành khung khổ pháp lý để thực hiện 2 chương trình với những cách tiếp cận mới so với giai đoạn trước ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.
“Trong năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao việc thực hiện, Ban Chỉ đạo giao việc cụ thể, có thời hạn và đặc biệt, hai cơ quan thường trực tích cực, các bộ ngành triển khai rất đều tay”, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá.
Triển khai nhiệm vụ cho năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị hai cơ quan thường trực (Bộ NN&PTNT, Bộ LĐTB&XH) chủ động hơn nữa để đạt các chỉ tiêu, kế hoạch.
“Tôi đồng tình với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, riêng về giảm nghèo chỉ tiêu phải tích cực hơn, cao hơn thì dân mới có tích lũy để tạo động lực cho xây dựng NTM. Ít nhất giảm nghèo phải đạt mục tiêu ở cận cao (giảm 1,5%/năm). Ban Chỉ đạo cũng đặt mục tiêu cao hơn, dứt khoát không thấp hơn mức Quốc hội đã giao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm của Ban Chỉ đạo.
Để đạt được mục tiêu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, rà soát văn bản còn nợ, việc này hoàn thành trong quý I/2017. Ngoài ra, còn 5 thông tư liên quan đến vốn và tiêu chí phân bổ áp dụng hệ số 1,2 đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long của chương trình xây dựng NTM cần sớm được thực hiện. Sau khi Quốc hội cho ý kiến thì các bộ phải trình Chính phủ ban hành chính thức để làm khung khổ cho phân bổ nguồn lực.
Bộ NN&PTNT đôn đốc các bộ ban hành văn bản hướng dẫn 19 tiêu chí NTM, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2017 để Chủ tịch UBND các tỉnh ban hành quyết định cụ thể cho từng địa phương. “Các địa phương chậm nhất 6 tháng đầu năm phải ban hành xong”, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ quan tâm xây dựng hành lang pháp lý cho phân bổ nguồn lực, nhất là đối với chương trình giảm nghèo; tập trung giải quyết các thể chế, chính sách huy động doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và giảm nghèo trong khi nguồn lực ngân sách rất hạn chế.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT trong quý I sớm quy định các tiêu chí xử lý cơ chế 80% tiền đấu giá quyền sử dụng đất để lại cho cấp xã, bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị hai cơ quan thường trực đôn đốc các tỉnh sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia; phối hợp chặt chẽ với MTTQ Việt Nam phát động các phong trào thi đua xây dựng NTM và giảm nghèo sâu rộng trong cả trong nước và kiều bào ở nước ngoài.