Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Quyền tiếp cận an sinh xã hội của lái xe công nghệ dưới góc nhìn pháp lý
11:01 AM 09/03/2022
(LĐXH) Nhiều lái xe công nghệ cho rằng họ chưa được đối xử công bằng nên rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lực lượng LĐ này.
1. Quan hệ  việc làm theo xu hướng hiện nay
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định việc làm là hoạt động lao động (LĐ) tạo ra thu nhập mà pháp luật không cấm; Nhà nước, người sử dụng lao động (NSDLĐ), xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm[1]. Bởi vậy, NLĐ có quyền được tự do lựa chọn việc làm, được làm việc cho bất kì NSDLĐ nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Trong quá trình lao động NLĐ, NSDLĐ có mối quan hệ lao động khá chặt chẽ và được ràng buộc bởi các quan hệ pháp lý.
Khoản 5 Điều 3 BLLĐ năm 2019 khẳng định, QHLĐ là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa NLĐ, NSDLĐ, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. QHLĐ bao gồm QHLĐ cá nhân và QHLĐ tập thể. Những người làm việc không có QHLĐ là những người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động (HĐLĐ). Hiện nay, Nhà nước có các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, người làm việc không có QHLĐ và Nhà nước luôn khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật lao động (PLLĐ).
Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ trở thành nhân tố khởi tạo và chuyển đổi quan hệ việc làm, QHLĐ. Công nghệ 4.0 đã và đang tạo ra xu hướng khiến nhiều NLĐ chuyển sang làm những công việc hoạt động trên các nền tảng trực tuyến: như dịch vụ đưa đón hành khách, giao nhận hàng, giao đồ ăn, kết nối thông qua việc sử dụng các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động (Grab, Gojek, Be…). Nghề lái xe công nghệ đã trở thành một nghề chính của hàng ngàn LĐ và hầu hết họ hy vọng có thu nhập cao từ công việc ít áp lực và chủ động được thời gian làm việc.
Trước sự thay đổi được tạo bởi công nghệ, việc nhận diện quan hệ và xác lập hợp đồng tương ứng giữa công ty công nghệ với tài xế làm phát sinh nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng đó là QHLĐ, nhưng có quan điểm khác lại cho rằng đây là quan hệ việc làm hoặc đó là quan hệ dịch vụ. Việc nhận diện đúng quan hệ này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tài xế khi những rủi ro nghề nghiệp hay tai nạn xảy ra.
Thực tế cho thấy Grab không phải là công ty vận tải mà chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối để cho các tài xế của Grab dùng công nghệ đón khách và cung cấp dịch vụ. Ở đây Grab thực hiện cung cấp thông tin hai chiều giữa lái xe và khách hàng, điều động xe, quyết định hành trình của xe, quyết định giá cước, ban hành chính sách và giải quyết những phản hồi của khách hàng. Đây là hình thức gọi xe công nghệ qua phần mềm trên điện thoại thông minh rất thuận tiện cho người sử dụng mà lại thu hút đông đảo lực lượng LĐ tham gia. Tuy nhiên, hiện Grab thực tế là không có xe, không có NLĐ và những người lái xe taxi công nghệ này không phải là nhân viên của hãng và chỉ cần họ đủ các điều kiện trở thành lái xe taxi công nghệ theo quy định của Grab thì hãng sẽ tuyển dụng và họ phải thực hiện theo những cam kết của hãng đưa ra (lái xe không được quyền quyết định thỏa thuận, quyền nội dung trong hợp đồng hợp tác…).
Trên thực tế,  lái xe công nghệ thực hiện được “cuốc” nào thì được hưởng thu nhập theo tỉ lệ trên cước phí của “cuốc chạy” đó, một số ít lái xe được công ty mua cho gói bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện cho chính lái xe với mức cao nhất 100 triệu đồng. Bởi vậy nhiều lái xe công nghệ cho rằng họ chưa được đối xử công bằng (như thời gian làm việc nhiều nhưng không được thêm tiền lương làm thêm giờ, tiền lương cố định không có, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) không được đề cập…) nên rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lực lượng LĐ này.
Cần giải quyết chế độ tiền lương tối thiểu cho người lao động là lái xe công nghệ
(Ảnh minh họa)
Về bản chất Grab không cung cấp dịch vụ vận tải và không đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ này theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, Luật Thương mại 2005. Nhưng với những hoạt động của Grab trên thực tế có thể khẳng định đây chính là kinh doanh dịch vụ vận tải trên nền tảng phần mềm ứng dụng công nghệ Grab và các tài xế xe công nghệ hiện đang làm việc dưới hình thức là đối tác độc lập cho các công ty dịch vụ công nghệ kết nối người dùng. Chỉ cần tài xế đáp ứng được các điều kiện của công ty thì các bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng hợp tác. Hợp đồng này ghi nhận sự thỏa thuận giữa các bên về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm. Cụ thể công ty và tài xế xe công nghệ đã giao kết hợp đồng hợp tác kinh doanh vận tải.
Căn cứ vào quy định về HĐLĐ tại khoản 1 Điều 13 BLLĐ năm 2019, có thể hiểu trường hợp các bên giao kết một hợp đồng hoặc một thỏa thuận không phải là HĐLĐ nhưng trong đó thể hiện các nội dung về: i/ Công việc phải làm; ii/ Tiền lương; iii/ Sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên đối với bên còn lại thì cũng được coi là HĐLĐ.
Như vậy dù lái xe công nghệ với công ty sử dụng phần mềm có kí kết bất kì một thỏa thuận nào không định danh là HĐLĐ nhưng vẫn hàm chứa các nội dung được quy định trong BLLĐ như trên thì đều mang dấu hiệu của một HĐLĐ, và bất kì thỏa thuận nào giữa tài xế taxi công nghệ với doanh nghiệp Grab đều được xác định là HĐLĐ. Cho dù quan hệ giữa NLĐ với công ty Grab còn có những quan điểm khác nhau thì suy cho cùng những NLĐ này vẫn chịu sự điều chỉnh của BLLĐ năm 2019, đó là: "Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động" (khoản 1 Điều 2).
2. Về quyền lợi của người lao động
Theo qui định của PLLĐ hiện hành "Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và có sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động" (đoạn 2 khoản 1 Điều 13 BLLĐ). Rõ ràng, trong biên bản thỏa thuận hợp tác này đề cập đến vấn đề việc làm và gắn với sự trả công cũng như có sự quản lý, điều hành, giám sát của công ty trách nhiệm hữu hạn Grab. Như vậy, biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH Grab với lái xe công nghệ được coi là HĐLĐ. Một trong những nội dung chủ yếu của HĐLĐ được PLLĐ qui định là "Bảo hiểm xã hội , bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)" (điểm i khoản 1 Điều 21 BLLĐ). Do đó, lái xe công nghệ có quyền được tham gia, hưởng BHXH, BHYT và BHTN mà pháp luật qui định. Tuy nhiên, trên thực tế thì lái xe công nghệ đang phải chịu nhiều thiệt thòi, đó là:
 Thứ nhất, không có mức lương tối thiểu. Hiện giữa công ty với NLĐ không thỏa thuận mức lương tối thiểu cụ thể. Công ty quy định mức chiết khấu (8-20% tùy loại xe) trên mỗi cuốc xe mà tài xế thực hiện. Công ty quy định cước phí dựa trên 02 yếu tố là km đường và số phút thực hiện chuyến. Như vậy, các quy định trên nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, giá cước thay đổi liên tục hàng giờ trong ngày do thời tiết, thời gian tham gia giao thông... Do đó, mức lương tối thiểu khó tính toán được, đây là vướng mắc quan trọng. Cần chỉ ra tiêu chí để xác định mức lương tối thiểu.
Thứ hai, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ, là nội dung bắt buộc khi thỏa thuận giao kết công việc. Do tính chất công việc nên lái xe chủ động thời gian, làm nhiều giờ trong ngày, tăng thu nhập cho doanh nghiệp nhưng cũng không được hưởng tiền lương làm thêm giờ, trong khi BLLĐ quy định NLĐ được hưởng tiền làm thêm giờ. Đối chiếu với BLLĐ 2019 có thể thấy quyền lợi trên thực tế với quyền lợi hợp pháp của NLĐ đang có sự mâu thuẫn, cần được xem xét giải quyết.
Thứ ba, các loại bảo hiểm cho NLĐ. Tại điểm a khoản 3 Điều 34 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định mọi đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô phải kí kết HĐLĐ, đóng các loại bảo hiểm cho tài xế. Tuy nhiên lại chưa có quy định cho lái xe công nghệ bằng phương tiện xe máy, trong khi rủi ro xảy ra đối với lái xe công nghệ bằng xe máy nhiều hơn so với ô tô. Hiện các lái xe công nghệ đã tự mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự/ Giấy chứng nhận bảo hiểm hàng năm và bảo hiểm này chỉ có trách nhiệm chi trả các khoản bồi thường trong phạm vi hạn mức đối với người bị thiệt hại. Trong khi đó, lái xe công nghệ lại chưa được tham gia và hưởng các chế độ về an sinh xã hội (ASXH). Theo qui định của Luật BHXH thì NLĐ kí kết HĐLĐ từ 01 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc; NLĐ kí hợp đồng từ 03 tháng trở lên phải tham gia BHTN. Thực tế nhiều tài xế làm việc trên 6 tháng, 01 năm hoặc lâu hơn nữa nhưng cũng không được tham gia BHXH, BHTN.
Trong trường hợp lái xe công nghệ trước đó đã tham gia BHXH, thì nay trong biên bản thỏa thuận hợp tác, NSDLĐ phải có trách nhiệm trả thêm cho họ số tiền mà NSDLĐ có nghĩa vụ đóng cho cơ quan BHXH theo qui định của pháp luật để NLĐ tự lo bảo hiểm.
Thứ tư, về tổ chức đại diện NLĐ. Theo quy định của PLLĐ, NLĐ có quyền được tham gia Công đoàn cơ sở hoặc tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp, các tổ chức này nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ. Thực tế công ty có quyền quyết định rất nhiều vấn đề liên quan đến NLĐ như quyết định tỉ lệ phân chia (quyết định tiền lương), quyết định hình phạt (tài xế vi phạm bị khóa phần mềm)…dẫn đến tranh chấp, bất đồng, trong khi tài xế lại làm việc độc lập, không cùng môi trường, không gặp gỡ, khó biết các tài xế khác và không được hướng dẫn nên không biết phải tìm đến tổ chức nào để bảo vệ quyền lợi cho mình.
3. Một số đề xuất
Một là, giải quyết chế độ tiền lương tối thiểu cho NLĐ – lái xe công nghệ. Quy định mức lương tối thiểu chung, tối thiểu vùng cho NLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với NLĐ, đảm bảo cuộc sống cũng như sự an tâm cho NLĐ khi tham gia vào thị trường lao động. Việc quy định mức lương tối thiểu không chỉ đảm bảo quyền, lợi ích cho chính NLĐ đó mà còn cho cả phía cơ quan quản lý nhà nước. Đó là mức thang cơ bản để giải quyết các chế độ về ASXH, BHXH, BHYT, BHTN; là tiền đề, là điều kiện, là cơ sở và là mong muốn mà bất kì NLĐ nào khi tham gia vào QHLĐ đều hướng tới.
Hai là, giải quyết tiền lương khi làm thêm giờ. Hiện tài xế công nghệ trung bình làm việc từ 10-12h/ngày mà không được hưởng tiền làm thêm giờ hay nghỉ việc không được hưởng lương. Nên giải quyết chế độ này cho lái xe công nghệ nhằm đảm bảo đúng quyền lợi của NLĐ theo quy định của BLLĐ 2019 và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế.
Ba là, giải quyết chế độ ASXH cho NLĐ – lái xe công nghệ. Như chế độ BHXH (hiện họ chưa phải là đối tượng bắt buộc tham gia BHXH), BHYT, tai nạn lao động (TNLĐ) (bởi hầu hết khi xảy ra tai nạn trên đường họ ít nhận được sự hỗ trợ, bảo hộ lao động, không được hưởng chế độ TNLĐ), trợ giúp xã hội (khi dịch Covid 19 bùng phát, lái xe công nghệ không được hưởng hỗ trợ từ Chính phủ, từ doanh nghiệp).
Bốn là, giải quyết chế độ BHTN. Vì nhiều lí do dẫn đến lái xe công nghệ không thể tham gia vào TTLĐ ở lĩnh vực này, bởi vậy trong quá trình LĐ cần quy định về việc NLĐ này phải đóng BHTN, khi có sự kiện pháp lý xảy ra, lái xe công nghệ sẽ được hỗ trợ từ cơ quan BHXH trong việc đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình./.


[1] Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2019


PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước