An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng
10:42 AM 12/04/2021
(LĐXH) Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nươc, các cơ sở trợ giúp xã hội đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội và ổn định tình hình chính trị-xã hội tại các địa phương.
Chăm sóc đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội
Các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố đã được thành lập và hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật. Thông qua các hoạt động tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ đối với các đối tượng là trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, người khuyết tật, người tâm thần… đã giúp cho một bộ phận các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: Giáo dục, y tế, tiếp cận thông tin, trợ cấp xã hội… Qua đó, tạo điều kiện cho các đối tượng ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên tái hòa nhập đời sống xã hội.
Phương thức hoạt động của nhiều cơ sở trợ giúp được cải tiến, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tại đơn vị, các cơ sở trợ giúp xã hội bước đầu đã tăng cường kết nối với cộng đồng, gia đình trong cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng. Hoạt động trợ giúp thông qua đường dây tư vấn tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội và Trung tâm Bảo trợ xã hội giúp các đối tượng có nhu cầu trợ giúp có thể liên hệ một cách nhanh chóng, thuận tiện với cơ sở trợ giúp, đặc biệt là trong các trường hợp cần trợ giúp khẩn cấp. Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đang dần được đầu tư xây dựng, nâng cấp tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng.
Đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ, nhiệt tình với công việc, có phẩm chất đạo đức tốt. Công tác đào tạo, tập huấn về nghề công tác xã hội được quan tâm hơn nên đã nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội. Đối tượng quản lý tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập được thực hiện đầy đủ chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng (mức từ 1.200.000 đồng - 1.370.000 đồng/người/tháng, bao gồm tiền ăn và trợ cấp tư trang, vật dụng sinh hoạt). Ngoài ra, còn được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ chi phí mai táng khi chết, hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập, hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo theo quy định.
Hiện cả nước có 545 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 300 cơ sở công lập và 245 cơ sở ngoài công lập
Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; chưa cung cấp các loại dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội; cơ sở vật chất chưa đầy đủ, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại trong các cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội; thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học; chưa lập kế hoạch hòa nhập cộng đồng cho đối tượng.
Các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác; các mô hình trợ giúp cho đối tượng còn mang tính hành chính; mô hình, cấu trúc hệ thống từ trung ương đến cộng đồng chưa có tính chuyên nghiệp và chủ yếu vẫn dựa vào bộ máy hành chính.
Theo đánh giá của Bộ Lao động - TBXH, cho đến nay mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp cho khoảng 30% đối tượng cần trợ giúp xã hội với các dịch vụ như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc nhiều loại đối tượng bảo trợ xã hội khác nhau, trong số đó số đối tượng là người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, số đối tượng là người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, số đối tượng là trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%.
Căn cứ Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 20/4/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025.
 Theo Quyết định số 1520/QĐ-LĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 thì cơ sở trợ giúp xã hội, gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; Trung tâm công tác xã hội.
Về số lượng cơ sở trợ giúp xã hội được quy hoạch: Hình thành, phát triển 614 cơ sở trợ giúp xã hội, bao gồm cả các cơ sở cai nghiện ma túy; trong đó có 322 cơ sở công lập và tối thiểu 292 cơ sở ngoài công lập. Số lượng cơ sở trợ giúp xã hội hiện có là 545 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 300 cơ sở công lập và 245 cơ sở ngoài công lập. Như vậy, số lượng cơ sở xã hội đến nay đạt khoảng 88,8% so với quy hoạch đề ra, trong đó cơ sở công lập đạt 93,2%; ngoài công lập 83,9%.
 Về tổng quy mô phục vụ được quy hoạch: Nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội lên 70.000 đối tượng vào năm 2020 và 140.000 đối tượng vào năm 2025. Tổng quy mô phục vụ hiện có: 110.000 đối tượng, như vậy tổng quy mô phục vụ  đạt 157,1% so với quy mô quy hoạch./.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ