Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Quốc hội sẽ giám sát việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em
02:13 PM 17/04/2019
Sáng 16/4, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.

Tính đến ngày 23/3/2019, trong tổng số 77 cơ quan xin ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất. Tổng Thư ký đã lựa chọn bảy nhóm nội dung và gửi xin ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Các ý kiến đều thống nhất, năm 2020, đề nghị Quốc hội giám sát một chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát một chuyên đề.

Về nội dung chuyên đề, trên cơ sở lựa chọn của đại diện các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các ban của uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ba nội dung chuyên đề và đề nghị xem xét, lựa chọn hai chuyên đề để báo cáo Quốc hội.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.

Tổng thư ký Quốc hội trình bày dự kiến chương trình giám sát (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị lựa chọn 2 chuyên đề thứ nhất và thứ 2. Trong đó, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thứ nhất, nhưng khoanh hẹp phạm vi trong lĩnh vực tư pháp.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị lĩnh vực trẻ em không nên mở rộng, vì đã giám sát về bảo vệ quyền trẻ em theo cam kết quốc tế. Trong điều kiện các ngành các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên giới hạn lại trong hoạt động tư pháp. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề xuất đổi tên nội dung chuyên đề thứ nhất thành giám sát "tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em".

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội cần lên tiếng về việc thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trong thời gian qua, nhìn từ góc độ tư pháp. "Quốc hội cần có lên tiếng về vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói và đề nghị lật lại những vụ việc vừa rồi dư luận xã hội rất bức xúc, là những vụ việc xâm hại cả tinh thần và thể xác trẻ em. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, nên lựa chọn chủ đề cụ thể là việc xử lý các loại tội phạm xâm hại trẻ em liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Về giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển và nhiều ý kiến khác cùng đề nghị lựa chọn chuyên đề thứ hai.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình hai chuyên đề thứ nhất và thứ hai xin ý kiến Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát, chuyên đề không được Quốc hội lựa chọn sẽ giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Trần Huyền (TH)

TAG:
Tin khác
Động đất Tây Tạng: 126 người thiệt mạng, mức khẩn cấp cao nhất
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y
Vừa vạch trần bê bối xây dựng, nhà báo bỏ mạng tức tưởi
Bạn gái bị chê hát lạc nhịp, gã đàn ông đấm chết người chê
Cậu bé bị biến dạng mặt vì trò đùa tàn nhẫn của bạn
Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chương Mỹ tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025 - 2027
Truyền thông Thái Lan thất vọng trước thất bại của đội nhà
Trung Quốc nói kiểm soát được dịch bệnh giống Covid 19
Vợ trầm cảm sau sinh, chồng đi tù vì làm điều ai cũng choáng