Quảng Trị nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,27%
(LĐXH)- Năm 2022, tỉnh Quảng Trị phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,27%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%.
Ngày 7/3, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2022. Qua đó, nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN. Trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo, nâng cao chất lượng GDNN; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh PCI (chỉ số đào tạo lao động) cấp tỉnh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể mà tỉnh Quảng Trị đưa ra là trong năm 2022, tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho 9.000 người. Trong đó, trình độ cao đẳng 400 người, trung cấp 600 người, sơ cấp và đào tạo thường xuyên 8.000 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,27%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt nghề đạt 50%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%.
Giải pháp Quảng Trị đặt ra là chủ động, linh hoạt thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" của Chính phủ và địa phương, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn hệ thống GDNN về phòng, chống dịch Covid-19, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ dịch bệnh; chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi có yêu cầu.
Tỉnh thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN trong tình hình mới; đổi mới và tăng cường công tác truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của người học, doanh nghiệp và xã hội đối với công tác giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý GDNN, tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác GDNN ở các cấp.
Bên cạnh đó, triển khai có hiệu quả hệ thống giáo dục mới theo các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GDNN. Đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh, chú trọng tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra; tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp về GDNN tại các trường THCS, THPT; tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh nhằm định hướng, tư vấn cho học sinh phổ thông có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp cho tương lai; có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN.
Năm 2022, Quảng Trị sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển; đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế, đảm bảo thích ứng với điều kiện sản xuất trong tình hình mới. Đẩy mạnh đặt hàng đào tạo, liên kết đào tạo với các cơ sở GDNN có uy tín để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN trên cơ sở rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận và đa dạng ngành, nghề, cơ cấu trình độ. Khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thực, cơ sở GDNN trong doanh nghiệp. Tập trung huy động và nâng cao hiệu quả đầu tư từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các Chương trình, dự án khác để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường công lập, các trường có ngành nghề trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Áp dụng, chuyển giao các chương trình đào tạo và phát triển các nghề trọng điểm đạt chuẩn cấp độ quốc gia, chuẩn trình độ khu vực ASEAN; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Ưu tiên đầu tư, phát triển trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị thành trường trọng điểm thực hiện đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực.
Gắn kết chặt chẽ giữa 3 “nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong hoạt động GDNN; Kết nối hiệu quả cung - cầu lao động, đẩy mạnh hợp tác giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm, các cơ sở GDNN và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm sau đào tạo, thông qua hoạt động: chia sẻ thông tin, dữ liệu cung - cầu lao động; phối hợp liên kết đào tạo, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; phối hợp xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; hỗ trợ thực tập tại doanh nghiệp; phát triển đội ngũ nhà giáo là nghệ nhân, chuyên gia, thợ bậc cao… trong các cơ sở sản xuất, làng nghề và doanh nghiệp bằng việc hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng thực hành nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp...
Chí Tâm
TAG: