Quảng Ninh: Nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm
(LĐXH) – Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động đặc biệt là lao động thuộc đối tượng bị thu hồi đất, lao động đánh bắt thủy hải sản cần phải chuyển đổi nghề và thanh niên, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Tại thị xã Quảng Yên, ngay từ đầu năm, UBND thị xã đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các xã, phường thực hiện rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn tại 100% các thôn, khu phố trên địa bàn. Qua đó, có cơ sở định hướng nghề nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể, ưu tiên nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động. Quý I/2018, thị xã đã tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 512 lao động, trong đó có 291 lao động ở ngành Công nghiệp - Xây dựng, 207 lao động ngành Thương mại - Dịch vụ. Kết quả, phiên giao dịch việc làm năm 2018 trên địa bàn thị xã, với 31 đơn vị tham gia tuyển dụng, đã có 376 lượt người tham gia phỏng vấn trực tiếp, 155 lao động được doanh nghiệp tiếp nhận, 2 lao động đăng ký học nghề và tư vấn học nghề cho trên 500 học sinh các khối lớp 10, 11, 12.
Ngoài việc mở rộng đào tạo nghề, để khai thác tốt tiềm năng lợi thế của từng xã, phường, các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên đã phối hợp với các ngành chức năng của thị xã mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao KHKT trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi, đưa thêm các giống cây trồng, vật nuôi mang hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời tín chấp cho hội viên, đoàn viên vay vốn từ các Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT để đầu tư phát triển đa dạng các mô hình kinh tế.
Thực hiện Chỉ thị 18 của BTV tỉnh ủy, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân không sử dụng các ngư cụ cấm để đánh bắt, khai thác thủy sản, thị xã Quảng Yên cũng đã tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân có phương tiện đánh bắt thủy sản bằng nghề lờ dây. Qua rà soát, thị xã có 1.688 lao động sử dụng ngư cụ lờ dây hoạt động khai thác thủy sản, trong đó 951 lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề. Đã có 20 hộ ngư dân được vay 1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh để chuyển đổi nghề.
Tại huyện Hải Hà, bằng việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giới thiệu và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện Hải Hà đã tạo được việc làm mới cho 2.750 lao động, đạt 138% kế hoạch của huyện và 183% kế hoạch tỉnh giao.
Nhằm thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, huyện Hải Hà chú trọng tuyên truyền, vận động những người trong độ tuổi lao động vào làm việc tại một số nhà máy tại KCN Texhong Hải Hà thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình của huyện, các cuộc họp của 118 thôn, bản, khu phố. Đồng thời, huyện còn ban hành các công văn chỉ đạo cho xã, thị trấn về việc tuyển dụng lao động phổ thông và lao động tham gia học nghề may, nghề dệt, nhuộm để có thể làm việc tại KCN Texhong; tổ chức phát gần 10.000 tờ rơi cho các hộ gia đình nằm trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh đó, huyện Hải Hà cũng thường xuyên tổ chức cho những lao động chưa có việc làm tham quan các nhà máy sản xuất tại KCN Texhong Hải Hà để người lao động nắm bắt được quy mô, tổ chức, thời gian làm việc, các chế độ đãi ngộ nhằm thu hút đông đảo các lao động chưa có việc làm vào làm việc tại các nhà máy.
Theo thống kê, hiện nay số lao động làm việc trong KCN Texhong là 3.383 người, trong đó lao động có hồ sơ quản lý là 2.246 người so với năm 2016 tăng 1.331 lao động, lao động thời vụ trong Khu công nghiệp là 1.137 người. Để nâng cao số lượng lao động qua đào tạo, trong thời gian qua, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các địa phương và các cơ sở đào tạo nghề tổ chức mở được 3 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tư vấn học nghề; phát tờ rơi và thực hiện các bản tin tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Tính đến hết năm 2017, toàn huyện Hải Hà có 38.726 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động; trong đó, lao động tham gia hoạt động kinh tế là 34.435 người, chiếm 97%; số lượng lao động đã qua đào tạo là 19.548 người, chiếm khoảng 50,4%.
Trong năm 2018, nhằm thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn, huyện Hải Hà sẽ tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động; trong đó, chú trọng những ngành, nghề có thể vào làm việc trong các nhà máy tại KCN Texhong Hải Hà.
Thục Quyên
TAG: