Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả xuất sắc
(LĐXH) Với mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến đời sống của từng cá nhân và cộng đồng những người yếu thế, những năm qua, nghề công tác xã hội (CTXH) trên địa bàn tỉnh đang từng bước khẳng định được vị trí và vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Theo thống kê, toàn tỉnh ước tính thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng đối với 33.686 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó số đối tượng theo Nghị định 136 và Nghị định 28 là 31.298 đối tượng; đối tượng theo chính sách của Tỉnh là 2388 đối tượng) với tổng kinh phí khoảng gần 180 tỷ đồng (tăng 1.976 đối tượng so với cuối năm 2016). Tỉnh luôn đảm bảo những đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách BTXH của Tỉnh được hưởng theo đúng quy định, nâng từ 300.000 đồng/tháng lên mức 350.000 đồng/tháng tại cộng đồng (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định) và nâng mức từ 400.000 đồng/tháng lên mức 500.000 đồng/ tháng đối với đối tượng nuôi dưỡng trong các cơ sở BTXH theo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, công tác tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên đối tượng BTXH cũng được chính quyền các cấp quan tâm, tổ chức thực hiện. Tỉnh đã hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, quan tâm thăm hỏi tặng quà cho người cao tuổi thuộc đối tượng TGXH nhân ngày NCT Việt Nam 06/6; triển khai hoạt động kỷ niệm Ngày Công tác xã hội 25-3; ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4. Bên cạnh đó cũng đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi và các đơn vị tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật”. Kết quả, đã có 190 đơn vị, cá nhân tham gia ủng hộ, quyên góp với tổng trị giá gần 2,9 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực giảm nghèo, Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho Lãnh đạo Tỉnh về việc góp ý, sửa đổi, bổ sung và tích hợp các chính sách giảm nghèo để đề xuất, kiến nghị với Bộ Lao động – TB&XH; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát phân loại đối tượng hộ nghèo đa chiều làm cơ sở hỗ trợ đóng BHYT theo quy định tại Nghị quyết 40/NQ-CP ngày 10/5/2017; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và Đề án 196 về nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. Tính đến tháng 31/12/2017, theo báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 3,39% xuống còn 2,25% , giảm 3.799 hộ (đạt vượt 0,44% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 0,7%/năm). Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 3,32% xuống còn 3,01% , giảm 616 hộ.
Tỉnh đã triển khai kế hoạch thu thập và cập nhật dữ liệu về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có người đang hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; phối hợp với Ban quản lý dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam tập huấn hệ thống thông tin trợ giúp xã hội và giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện. Dựa trên số liệu thu được, Sở đã thực hiện rà soát đối tượng là người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh phục vụ xây dựng Đề án xã hội hóa nhà cấp 4 cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi thuộc hộ nghèo, cận nghèo hoặc thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở, hiện còn ở nhà tạm, nhà hư hỏng nặng hoặc chưa có nhà ở theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tổng số hộ có người khuyết tật và trẻ mồ côi gặp khó khăn về nhà ở có nhu cầu sửa chữa, làm mới nhà ở là 625 hộ, số hộ có người khuyết tật, trẻ mồ côi thuộc hộ nghèo là 427 hộ (139 hộ ở khu vực thành thị, 288 hộ ở khu vực nông thôn).
Bên cạnh việc nỗ lực giảm nghèo, công tác hỗ trợ và tạo viêc làm cho người khuyết tật cũng là một trong những thành tích nổi bật của tỉnh. Sở LĐTBXH đã dùng nguồn kinh phí từ Quỹ việc làm dành cho người tàn tật của tỉnh hỗ trợ 100% chi phí phẫu thuật chỉnh hình và trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho NKT hệ vận động, hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng trong thời gian phẫu thuật với mức 50.000 đồng/người/ngày (không quá 15 ngày), hỗ trợ tiền đi lại cho đối tượng và 01 người nhà đối tượng từ nơi ở của đối tượng đến cơ sở phẫu thuật theo quãng đường thực tế, hỗ trợ chi phí thù lao cho 01 người nhà hướng dẫn đối tượng tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật với mức 50.000 đồng/ngày (không quá 15 ngày).
Qua một năm, có thể thấy công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã đạt được rất nhiều những thành tích đáng nể, thể hiện sự quyết tâm, sát sao của lãnh đạo tỉnh, cũng như sự hưởng ứng, góp sức của các tầng lớp nhân dân và bản thân các đối tượng xã hội trên đìa bàn. Để thực hiện công tác xã hội hiệu quả, có chất lượng hơn, trong năm 2018, tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai thực hiện Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo trợ xã hội các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể và người dân trong công tác đảm bảo an sinh xã hội đối với việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.
Minh Ngọc
TAG: