Quảng Ngãi phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025
(LĐXH)-Tại Quảng Ngãi, tỷ lệ nữ tham gia quản lý kinh tế hiện ngày càng tăng, chính sách đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức và lao động được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội từng bước được khẳng định trên các lĩnh vực.
Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương đạt 340.846/711.424 người, đạt 54,17% (đạt chỉ tiêu đề ra).
Tỉnh cũng đặt chỉ tiêu giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 là đạt 18,20% (đạt chỉ tiêu đề ra).
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 là tỉnh có 1.535 nữ giám đốc/9.665 chủ doanh nghiệp, đạt 15,8% (nguồn do Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, chưa đạt chỉ tiêu).
Theo đánh giá, trong thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi luôn quan tâm đến công tác lao động, giải quyết việc làm đối với thanh niên và phụ nữ. Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức đối thoại với hội viên phụ nữ, thanh niên về chủ đề “Khởi nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm phát triển kinh tế cho thanh niên, phụ nữ trong giai đoạn hiện nay”. Thông qua đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt những khó khăn, kiến nghị hợp pháp, chính đáng về những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm, thu nhập của hội viên phụ nữ, của đoàn viên. Trên cơ sở ý kiến của đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, Bí thư Tỉnh ủy đã lắng nghe, ghi nhận và trong thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND, các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh sẽ nghiên cứu đưa ra các chủ trương, giải pháp, chính sách để giải quyết những vấn đề mà thanh niên, hội viên phụ nữ đã nêu tại cuộc đối thoại.
Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng. Nhiều mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề dành cho phụ nữ đã được hỗ trợ vay vốn, từ đó đã góp phần tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, chất lượng việc làm của lao động nữ còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm chưa cao. Hiện tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt thấp 15,8% (kế hoạch đến năm 2025 đạt ít nhất 27%). Hầu hết các doanh nghiệp do nữ làm chủ, thường có quy mô nhỏ dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận với các gói hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Các quy định về hỗ trợ tín dụng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho lao động nữ vẫn chưa được ban hành. Do đó đã hạn chế trong việc thực thi chính sách về bình đẳng giới trong cuộc sống.
Trong thời gian tới, để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, Quảng Ngãi tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động có tách biệt theo giới tính. Tăng cường hoạt động của sàn giao dịch việc làm góp phần tư vấn, giới thiệu việc làm hiệu quả.
Đảm bảo các điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn lực kinh tế (như đất canh tác, nguồn vốn tín dụng, thông tin về chính sách pháp luật, thị trường lao động) bình đẳng về cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có chính sách hỗ trợ các cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chính sách đối với lao động nữ nhằm đảm bảo công bằng trong chính sách đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và chế độ nghỉ hưu./.
Minh Hằng
TAG: