Quảng Ngãi nỗ lực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
(LĐXH)-Tại Quảng Ngãi, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định trên các lĩnh vực, bản thân người phụ nữ cũng tích cực phấn đấu, tự vươn lên để xóa bỏ định kiến phân biệt đối xử về giới. Các vụ việc bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện và xử lý nghiêm góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi đặt ra các chỉ tiêu về thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới là phấn đấu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương là còn 1,89 lần vào cuối tháng 6 năm 2024..
Tỉnh cũng đề ra chỉ tiêu thứ 2 là đến năm 2025 đạt 80% và đến 2030 đạt 90% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; đến năm 2025 đạt 50% và đến năm 2030 đạt 70% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Trong năm 2023. Kết quả thực hiện chỉ tiêu nói trên là trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ngãi có 70% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản (đạt chỉ tiêu); 50% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn (đạt chỉ tiêu).
Tỉnh đặt ra chỉ tiêu thứ 3 là phấn đấu từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Kết quả thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 là có 100% nạn nhân nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng (đạt chỉ tiêu).
Về chỉ tiêu 4 mà tỉnh đặt ra là đến năm 2025 có 70% và năm 2030 có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Kết quả thực hiện chỉ tiêu này tại địa phương trong 6 tháng đầu năm 2024 là có 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập đã triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (đạt chỉ tiêu).
Theo đánh giá, các mô hình, địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, giúp đỡ nhiều nạn nhân bạo lực gia đình của tỉnh (phần lớn là phụ nữ) tránh được rủi ro. Hiện các cấp Hội địa phương đã thành lập 549 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, 06 mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”.
Tuy nhiên, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ tại Quảng Ngãi hiện vẫn còn nhiều thách thức, việc thu thập số liệu về bạo lực gia đình tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn (nạn nhân cam chịu, không khai báo), các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực tại cộng đồng còn thiếu...
Để tiếp tục thực hiện bình đẳng giới trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tiếp tục duy trì thường xuyên các chiến dịch truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú trong Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm) và hưởng ứng Ngày quốc tế xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (ngày 25/11); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (ngày 01/6 đến ngày 30/6 hằng năm).
Tiếp trục duy trì và nhân rộng mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh”, mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không có ma túy, bạo lực học đường” ... để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.
Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công tác bình đẳng giới và nhân viên, cộng tác viên tham gia triển khai các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới./.
Minh Hằng