Quảng Nam: Triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc và hiện nay địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình, hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ mô hình nuôi lợn đen cho người dân tại huyện Đông Giang, qua đó giúp nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2024, tỉnh Quảng Nam còn 20.272 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,56%, giảm 1,01% so với năm 2023, đạt 151,6% so với Kế hoạch đề ra. Tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số năm 2024 giảm còn 34,46%, giảm 9,16% so với năm 2023, đạt 305,3% so với Kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo năm 2024 giảm còn 28,46%, giảm 7,92% so với năm 2023, đạt 132% so với Kế hoạch đề ra. Tính đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 743/1.273 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 58% mục tiêu kế hoạch đề ra.
Theo tỉnh Quảng Nam, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo ở địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn năm 2022, 2023 kéo dài sang năm 2024 và kế hoạch vốn năm 2024 cộng lại rất lớn, áp lực cho việc giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn và thủ tục đầu tư, triển khai và giải ngân vốn của các Sở, ngành, đơn vị của cấp tỉnh và các địa phương (tổng kế hoạch vốn sử dụng năm 2024 là 1.273,608 tỷ đồng, gồm: vốn đầu tư: 752,223 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 521,386 tỷ đồng). Văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình tuy cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng có nội dung chưa được quy định, hướng dẫn, mức hỗ trợ quy định còn thấp và quá lâu, không còn phù hợp với hiện nay; một số quy định về đấu thầu khi triển khai gặp khó khăn, chưa phù hợp với thực tiễn triển khai thực hiện một số hoạt động, nhiệm vụ của Chương trình MTQG.

Thêm vào đó, nguồn vốn phân bổ tập trung chủ yếu cho các huyện nghèo, miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có quy mô hộ nghèo lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao; số danh mục công trình dự án đầu tư nhiều, tổ chức thực hiện hầu hết trên địa bàn rừng núi, vướng quy hoạch, đất rừng,... các dự án khi điều chỉnh, bổ sung phải trình HĐND các cấp xem xét, quyết định; giá nguyên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, do nguồn cung cát xây dựng khan hiếm, một số nguyên nhân về giá nhiên liệu tăng,... làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện xây dựng tại các địa phương. Một số dự án thành phần có đối tượng hỗ trợ quá ít, hoặc có nhưng không có nhu cầu để hỗ trợ do đã được doạnh nghiệp hỗ trợ nên kết quả triển khai hạn chế, giải ngân thấp. Ban Chỉ đạo chung các Chương trình MTQG cơ cấu nhiều ngành nhưng có một số ngành có chức năng, nhiệm vụ ít liên quan đến Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nên khó khăn trong công tác phân công, theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát theo địa bàn; công tác chỉ đạo điều hành của cấp ủy và người đứng đầu ở một số địa phương chưa được thường xuyên. Tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo chưa được Trung ương quy định và hướng dẫn thực hiện thống nhất…
Trong năm 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu giảm 3.000 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên từ 4-5%. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo đề ra của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kết luận số 584-KL/TU ngày 16/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, trong đó tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý. Tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chính sách nước sinh hoạt hợp vệ sinh, vệ sinh nông thôn cho người nghèo, người dân sinh sống ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng. Giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hướng dẫn, vận động các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững
Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập và hỗ trợ tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn; tăng nguồn vốn chính sách xã hội.
Thực hiện tốt công tác rà soát, công nhận, phê duyệt hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo đúng quy định, kịp thời; trong đó, thực hiện phân loại, lập hồ sơ, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo ngay từ đầu năm 2025 để theo dõi, quản lý và có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo từng hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, điều kiện và nguyện vọng cần hỗ trợ của hộ nghèo. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp, nhất là cán bộ ở cấp xã; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững nhằm công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo./.
Thu Hương
TAG: