Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Quảng Nam: Người dân vẫn còn thiếu thông tin về xuất khẩu lao động
05:44 PM 01/04/2017
Làm sao để đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) trong thời gian tới là câu hỏi thu hút sự quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp tại hội thảo chuyên đề về XKLĐ được Sở LĐ-TB&XH tổ chức vào hôm qua 28.3. Tại đây, nhiều đại biểu đã đóng góp những ý kiến thiết thực nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này.
Hướng đến thị trường chất lượng cao
Năm 2017 khởi động với những thông tin vui về XKLĐ khi thị trường chất lượng cao là Nhật Bản đang được người lao động (NLĐ) quan tâm và cũng là định hướng của các công ty XKLĐ. Qua các công ty có mối liên hệ lâu dài với Quảng Nam trong việc đưa NLĐ đi xuất khẩu như Công ty Tocontap Sài Gòn, Hải Phong, Hiteco, NLĐ trên địa bàn tỉnh được xuất cảnh sang Nhật Bản.
Hội thảo chuyên đề về xuất khẩu lao động thu hút sự quan tâm của các địa phương và doanh nghiệp.
Hiện nay, ngoài kênh của các công ty XKLĐ, Quảng Nam được Bộ LĐ-TB&XH cho phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình đi làm việc ở Hàn Quốc (EPS), thực tập sinh ở Nhật Bản (IM Japan), điều dưỡng viên đi học tập, làm việc tại Đức. Qua chương trình EPS, có 33 lao động của tỉnh đăng ký dự tuyển ngành sản xuất chế tạo và ngư nghiệp đã có lịch xuất cảnh đầu năm 2017. Ngoài ra, còn 29 lao động đang học tập, sẽ có lịch xuất cảnh trong năm nay. XKLĐ của tỉnh bắt đầu từ năm 2010 đến nay, số lượng XKLĐ còn rất ít, chỉ 1.200 người, trong đó năm 2016 đã có đến 541 người. Nói như ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam thì năm 2010 tỉnh mới bắt đầu “gieo hạt giống” XKLĐ, đến nay “hạt giống đã nảy mầm” khi người dân đã biết đến XKLĐ và xem đó là con đường giải quyết việc làm, giảm nghèo, thậm chí làm giàu hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, dù đã có những tín hiệu vui nhưng XKLĐ của tỉnh so với các tỉnh ở phía Bắc hoặc các tỉnh trong khu vực Trung Bộ còn rất khiêm tốn. Quảng Nam tập trung chủ yếu thị trường chất lượng cao nhằm đảm bảo được nguồn thu nhập, tính an toàn cho NLĐ. Những khó khăn trong XKLĐ mà tỉnh đang gặp phải như người đi còn ít, khâu tuyên truyền vận động chưa đến với NLĐ, việc vay vốn để XKLĐ ở các thị trường chất lượng cao còn gặp khó khăn do chi phí cao, trình độ chuyên môn, ý thức kỷ luật của NLĐ vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu của các công ty tuyển dụng nước ngoài. Tình trạng NLĐ hết hạn hợp đồng nhưng không về nước và trốn ở lại Hàn Quốc làm ảnh hưởng đến chương trình hợp tác giữa 2 nước. Từ những khó khăn đó, ông Thùy cho biết trong giai đoạn tới, mỗi năm tỉnh sẽ cố gắng vận động, đưa đi XKLĐ đạt mỗi năm từ 400 người trở lên, chủ yếu hướng đến các thị trường chất lượng cao.
Tập trung tuyên truyền
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc trong công tác XKLĐ, vì thế thông tin đến NLĐ còn hạn chế. Đồng chí Lê Văn Thanh đề nghị cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, ban ngành để NLĐ nắm bắt những thông tin liên quan như thị trường, công việc, thu nhập, cách tiếp cận nguồn vốn vay... Các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc với NLĐ, doanh nghiệp cần phải đến tận thôn, gặp trực tiếp NLĐ để họ biết được thông tin. Muốn vậy địa phương và doanh nghiệp phải phối hợp hiệu quả. Xã, phường, thị trấn cần phải cung cấp được thông tin về NLĐ của địa phương mình để doanh nghiệp biết và phân định tuyển dụng phù hợp với thị trường. Sở LĐ-TB&XH cần có định hướng tuyên truyền hiệu quả, đưa thông tin về điển hình để người dân có cái nhìn toàn diện hơn, xác thực hơn...
Theo ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, công tác tuyên truyền là vấn đề then chốt đầu tiên. Ông Huy nói: “NLĐ còn thiếu thông tin chính thống từ các cơ quan có chức năng XKLĐ và các công ty hợp pháp. Bên cạnh đó, những thông tin trên mạng về lừa đảo XKLĐ khiến người dân hoang mang, không tin tưởng vào con đường XKLĐ. Tôi nghĩ chúng ta cần có những thông tin tuyên truyền cho thật tốt, có hình ảnh, địa chỉ, con người, thu nhập cụ thể về những người đã đi XKLĐ để minh họa cho người dân biết và nắm rõ thông tin. Chỉ cần trong xóm, thôn, xã có người đi XKLĐ đạt hiệu quả, đem ra tuyên truyền thì sẽ tốt hơn. Năm nay huyện Tiên Phước sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi tư vấn, giới thiệu, kết nối thông tin XKLĐ đến với NLĐ. Đối với những người đã đi XKLĐ và đã về lại, huyện sẽ tư vấn, hỗ trợ về sử dụng hiệu quả nguồn vốn, phát huy và nhân rộng những mô hình hiệu quả qua các kênh hội, đoàn thể gần nhất với NLĐ”.
Cùng quan điểm này, ông Võ Tấn Trung - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quế Sơn cho hay, huyện đã sử dụng biện pháp tuyên truyền tại chỗ, có người thực việc thực nên người dân tin tưởng vào con đường XKLĐ. “Ở Quế Sơn đã có những người đi XKLĐ về lại quê hương, có nguồn thu nhập và về phát huy được nguồn vốn. Chúng tôi lấy những điển hình đó để tuyên truyền đến người dân. Trong năm này, Quế Sơn cũng xác định đưa XKLĐ thành phong trào trong nhân dân bằng nhiều cách như tuyên truyền theo cụm xã; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động, có các công ty XKLĐ đến tận nơi cùng tuyên truyền với chúng tôi; các hội, đoàn thể và các xã, thị trấn trong huyện đều được giao nhiệm vụ tư vấn, vận động XKLĐ đạt chất lượng” - ông Trung cho biết.
Trong năm 2017 này, có 18 công ty XKLĐ được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép tuyển dụng đi XKLĐ. Các công ty đã dành sự quan tâm đến NLĐ của Quảng Nam, bởi như nhận định của họ thì NLĐ Quảng Nam có tính cần cù chịu khó, thông minh nên học tập nhanh, tỷ lệ đạt qua các kỳ thi sơ tuyển cao. Dù vẫn còn một số hạn chế đến từ phía NLĐ nhưng các công ty XKLĐ đều cho rằng sau khi qua khóa đào tạo tập trung tại các công ty, những hạn chế có thể cải thiện. Bà Lê Thị Dung - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển việc làm phía Nam Hiteco cho biết, nhiều công ty biết đến NLĐ của Quảng Nam chủ yếu là qua kênh NLĐ tự tìm đến, trong đó có Hiteco. Công ty đã đặt vấn đề và liên kết với tỉnh trong việc đưa NLĐ đi xuất khẩu từ năm 2014 đến nay. Bà Dung đánh giá cao tinh thần nỗ lực, ham học hỏi của NLĐ Quảng Nam trong quá trình học tập, nâng cao tay nghề. Bà Dung nói: “Nguồn lao động còn rất thiếu, trong khi công ty cần tuyển dụng nhiều để đáp ứng các đơn đặt hàng. Công tác tuyên truyền cần được quan tâm, giúp NLĐ không đi qua trung gian vừa tốn tiền vừa dễ gặp rủi ro”.

Theo Báo Quảng Nam
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm