Quản lý công tác xã hội đối với người có công ở Ninh Thuận và một số kiến nghị
Trải qua hai thời kỳ kháng chiến cứu nước, có biết bao người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh hoặc mang trong mình thương tích suốt đời; nhiều người mẹ, người vợ gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ non sông đất nước.
Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách đặc biệt, đó là ưu đãi xã hội đối với người có công với cách mạng (NCCVCM). Các chính sách này về phương diện tổng thể đã mang hơi hướng của nghề công tác xã hội (CTXH) bởi NCCVCM được chăm sóc toàn diện từ nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi giáo dục, việc làm… Tuy nhiên, chúng ta chưa chuyển đổi việc thực hiện chính sách thành dịch vụ CTXH và chưa tổ chức quản lý trường hợp đối với NCCVCM nên quản lý CTXH đối với NCCVCM chưa được trọn vẹn.
Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCCVCM trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã đạt một số kết quả đáng kể: Mức sống của NCCVCM được nâng lên, được hỗ trợ tìm việc làm, vay vốn sản xuất, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ về nhà ở, được tham quan, điều trị điều dưỡng tập trung tại các Trung tâm thuộc ngành Lao động- Thương binh và Xã hội; con em NCCVCM được hỗ trợ ưu đãi giáo dục, mộ liệt sỹ được an táng tại các Nghĩa trang, hàng ngày có người chăm sóc thể hiện lòng biết ơn, kính trọng. Vào dịp Lễ, Tết, các sự kiện quan trọng của tỉnh, các ngành các cấp đều đến viếng Nghĩa trang, thắp hương tại các phần mộ; tổ chức hoặc hỗ trợ cho thân nhân liệt sỹ thăm viếng mộ mộ liệt sĩ ở các tỉnh xa hàng năm.
Các gia đình NCCVCM được trân trọng về mặt tinh thần, đã thực sự góp phần động viên, khích lệ thế hệ trẻ tiếp bước cha anh trong sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, kế thừa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn“, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đã dành nhiều công sức, sáng tạo nhiều hình thức để chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCCVCM.
Để động viên tinh thần, biểu dương tấm gương NCCVCM tiêu biểu, hàng năm các cấp chính quyền thuộc tỉnh đều tổ chức Hội nghị biểu dương NCCVCM tiêu biểu, qua đó khen thưởng, tôn vinh những tấm gương thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công dù trong thời chiến hay thời bình sẵn sàng xông pha, tiên phong gương mẫu trên mặt trận đấu tranh giành độc lập và đấu tranh chống đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu cho bản thân và cho xã hội.
Công tác thăm hỏi, động viên NCCVCM được các cấp, các ngành quan tâm. Vào các dịp lễ tết, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đều thành lập các đoàn đến thăm, tặng quà tất cả các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh tỷ lệ thương tật 81% trở lên. Sự hỗ trợ về mặt tinh thần cho NCCVCM còn biểu hiện ở việc tổ chức những chuyến tham quan dài ngày về các tỉnh phía Bắc, đưa NCCVCM giao lưu với các tỉnh bạn: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên...
Sự hỗ trợ thiết thực này không chỉ góp phần ổn định và nâng cao mức sống của gia đình NCCVCM mà càng làm đẹp thêm tình làng nghĩa xóm, ổn định tình hình chính trị - xã hội ở địa phương cơ sở, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và chế độ ta.
Có thể khẳng định, chính sách đối với NCCVCM của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa qua việc thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công đã khuyến khích tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống người có công. Nhờ có chính sách này mà phần nào phát huy được năng lực nội tại, tinh thần vươn lên của các đối tượng người có công trong điều kiện và hoàn cảnh mới. Đây cũng là một phần của CTXH đối với NCCVCM. Đó là quá trình hoạch định hỗ trợ chăm sóc cho NCCVCM, là công tác tổ chức quản lý, tổ chức nhân sự, là quá trình ra quyết định, lưu trữ, quản lý và sử dụng hồ sơ, là việc tổ chức quản lý ca đối với NCCVCM dành cho nhân viên CTXH. Nếu như trước đây thực hiện chính sách đối với NCCVCM đơn thuần chỉ là thực hiện chính sách ưu đãi, thì quản lý CTXH đối với NCCVCM được tiếp cận một cách toàn diện hơn, đó là quản lý CTXH trên cơ sở xây dựng chương trình hỗ trợ NCCVCM, quản lý tổ chức CTXH, quản lý nhân sự trong quản lý CTXH đối với NCCVCM, thực hiện tiến trình quản lý, xây dựng khung chương trình hỗ trợ, Khung giám sát đánh giá hoạt động hỗ trợ NCCVCM trên cơ sở tiếp cận quyền con người là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Trong những năm qua, tuy không lập hồ sơ quản lý ca, không vãng gia thường xuyên nhưng những gì mà tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện đối với NCCVCM đã là nỗ lực lớn lao và mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy làm CTXH các cấp ở Ninh Thuận đã được quan tâm bố trí ổn định hơn, ở cấp xã hầu hết cán bộ đã qua tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng chính sách NCCVCM được giải quyết liên thông từ xã đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện về mặt thời gian, đi lại cho NCCVCM.
Công tác lưu trữ hồ sơ NCCVCM được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện đang quản lý gần 40.000 hồ sơ NCCVCM, trong đó có hơn 10% số hồ sơ được hưởng trợ cấp ưu đãi. Tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có Phòng lưu trữ hồ sơ NCCVCM được đầu tư bài bản, khoa học; sắp xếp hồ sơ ngăn nắp, khoa học để khi cần tra cứu là có ngay. Một số hồ sơ NCCVCM, hiện nay đã phân cấp về huyện lưu trữ, tạo điều kiện cho NCCVCM khi cần trích lục, tra cứu để giải quyết chính sách. Phần mềm quản lý chi trả, phần mềm quản lý đối tượng NCCVCM, phần mềm quản lý, cập nhật hồ sơ; phần mềm về thông tin mộ liệt sỹ… được thống nhất thực hiện từ Trung ương đến cấp huyện, phục vụ cho yêu cầu quản lý và tra cứu thông tin, quản lý kinh phí chặt chẽ hơn. Cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý chính sách NCCVCM trang bị khá đồng bộ từ bàn ghế, két sắt, máy tính và các phụ kiện có liên quan phục vụ quản lý hồ sơ và chi trả cho NCCVCM. Nguồn nhân lực làm công tác quản lý NCCVCM các cấp luôn được quan tâm bồi dưỡng cập nhật thông tin quản lý nhà nước, trình độ lý luận chính trị.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả nêu trên, việc quản lý CTXH đối với người có công với cách mạng ở Ninh Thuận vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót:
Thứ nhất, việc hoạch định trong quản lý CTXH đối với NCCVCM hiện nay mới tập trung chủ yếu ở việc tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi một chiều từ trên xuống, chưa tổ chức tham vấn lấy ý kiến từ cơ sở, chưa có hướng dẫn, chưa có Khung kế hoạch thống nhất từ Trung ương về địa phương. Công tác hoạch định, xây dựng chương trình hỗ trợ NCCVCM vẫn chưa thực hiện tốt. Có thể nói, chỉ đến mùa làm kế hoạch, đến khi có chỉ đạo thực hiện từ trên thì xây dựng chương trình mới được quan tâm. Tuy nhiên đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong quản lý CTXH đối với NCCVCM như: chương trình xây dựng nhà ở, nâng cấp NTLS và Đài Tưởng niệm Liệt sỹ.
Thứ hai, công tác tổ chức thực hiện quản lý CTXH chưa thống nhất từ trên xuống, chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nơi nào nhà quản lý quan tâm thì NCCVCM được nhờ, nơi nào thiếu sự quan tâm lãnh đạo thì “xuân thu nhị kỳ”, một năm hai lần (Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh liệt sỹ 27 tháng 7) được thăm hỏi, gửi quà, gia đình có mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh hai lần được đưa đón thăm viếng mộ.
Thứ ba, nhận thức của cán bộ lãnh đạo quản lý CTXH các cấp về CTXH có phần lệch lạc, đánh đồng CTXH với việc làm từ thiện, không có chiều sâu, cho rằng thỉnh thoảng có các mạnh thường quân đến tặng quà, xã, huyện giới thiệu hoặc trực tiếp cùng đến gửi quà cho NCCVCM là đã làm tốt CTXH đối với NCCVCM.
Thứ tư, công tác thăm hỏi, chăm sóc chỉ tập trung ở các hộ NCCVCM là thân nhân anh hùng liệt sỹ, thương binh nặng và mẹ Việt Nam anh hùng.
Thứ năm, công tác quản lý CTXH nói chung, CTXH đối với NCCVCM nói riêng gặp nhiều rào cản do tâm lý muốn đưa người thân quen vào làm ở các vị trí lẽ ra chỉ dành cho những người tốt nghiệp chuyên ngành CTXH hoặc các ngành tương đương, có nhiều trường hợp nhân viên CTXH làm hợp đồng nhiều năm, sau khi có người nhà của các vị lãnh đạo vào, phải chuyển sang công tác khác không liên quan gì đến CTXH và người mới thay cho nhân viên CTXH không am hiểu gì về nghề CTXH. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác chính sách ở nhiều địa phương chưa được củng cố tăng cường đúng mức. Cán bộ làm công tác này ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, lại thường thay đổi, không ổn định. Tuy được bồi dưỡng về nghiệp vụ, nhưng kinh nghiệm phương pháp công tác còn nhiều hạn chế, một số cán bộ thể hiện tinh thần trách nhiệm chưa cao, năng lực chuyên môn còn yếu nên chất lượng và hiệu quả công tác còn thấp.
Thứ sáu, một số nhà quản lý CTXH không có nghiệp vụ chuyên môn về CTXH lại chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về CTXH. Nhân viên CTXH muốn tham gia quản lý ca, tư vấn các trường hợp NCCVCM do vết thương tái phát bị tâm thần không được tạo điều kiện để thực hành, lâu dần quản lý ca đối với NCCVCM hầu như không được đặt ra, bởi đối với họ việc giải quyết chính sách đúng, đủ, kịp thời cho NCCVCM là đã làm tốt CTXH đối với NCCVCM.
Thứ bảy, trang bị cơ sở vật chất để quản lý CTXH đối với NCCVCM đến cấp huyện tương đối tốt. Riêng tại cấp xã, hầu như máy móc phải dùng chung ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, mức độ hoàn thành công việc, tiến độ báo cáo.
Thứ tám, công tác quản lý hồ sơ tại cấp xã còn nhiều hạn chế, còn có tình trạng công việc người này làm, khi đã chuyển công tác người mới thay thế không được bàn giao do công tác lưu trữ cả trên máy tính và trên sổ sách thiếu tính hệ thống. Đây là hệ quả của việc dùng chung máy tính lưu trữ hồ sơ. Công tác quản lý ca NCCVCM hầu như còn bõ ngỏ do nhân viên CTXH chuyên nghiệp chưa được nhiều. Và do vậy việc nhân viên CTXH sử dụng các kiến thức, kỹ năng quản lý để chuyển đổi các chính sách xã hội thành các dịch vụ xã hội chưa thực hiện được.
Một số kiến nghị
Từ thực tiễn nêu trên, có thể nhận thấy quản lý CTXH đối với NCCVCM chỉ thực sự hiệu quả khi nhà quản lý, nhân viên CTXH xem đây như một chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp CTXH đối với NCCVCM. Do vậy, để thực hiện tốt quản lý CTXH đối với NCCVCM cần có những giải pháp cụ thể sau:
Một là, để quản lý CTXH nói chung, quản lý CTXH đối với NCCVCM nói riêng ngày càng đi vào chiều sâu cần có công cụ hỗ trợ, hướng dẫn từ Trung ương về Khung hoạch định, xây dựng chương trình, quy trình lập hồ sơ quản lý ca, nghiên cứu đặc điểm tâm lý, nhu cầu, tình hình phát triển kinh tế xã hội và mô hình tổ chức CTXH phù hợp; nghiên cứu phát hành bộ tài liệu về CTXH đối với NCCVCM, nghiên cứu đặc điểm nhu cầu của NCCVCM, kỹ năng cơ bản của nhân viên CTXH trong quá trình làm việc với thân chủ để quản lý CTXH với NCCVCM đạt hiệu quả mong muốn, góp phần đền ơn đáp nghĩa, tôn vinh, kính trọng và làm tốt CTXH đối với NCCVCM. Đây cũng là nhiệm vụ của các nghiên cứu tiếp theo về CTXH đối với NCCVCM và quản lý CTXH đối với NCCVCM.
Hai là, tăng cường nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý về nghề CTXH, thực hiện quản lý CTXH đối với NCCVCM cần công khai, minh bạch, phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, vì mọi người, ý thức tự hào về truyền thống cách mạng, nhường cơm xẻ áo của NCCVCM đối với cộng đồng, với xã hội.
Ba là, quan tâm đến công tác tổ chức cơ cấu bộ máy, bố trí nhân sự thực hiện sao cho phù hợp với thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ NCCVCM hiệu quả nhất.
Bốn là, tập huấn công tác thực hành quản lý ca cho nhân viên CTXH, cộng tác viên CTXH; tập huấn lưu trữ, quản lý sử dụng hồ sơ lưu trữ hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý CTXH đối với NCCVCM.
Đặng Thị Phấn
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận
TAG: