Quận Cầu Giấy: Triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP
(LĐXH) – Triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã vào cuộc khẩn trương, tích cực để triển khai sâu rộng các chính sách an sinh xã hội đến với mọi đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, tính đến ngày 08/10/2021, UBND quận Cầu Giấy đã chi ngân sách và huy động xã hội hoá để hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí 39.903.221.000 đồng. Trong đó, ngân sách từ nguồn cải cách tiền lương thực hiện theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 15/NQ-HĐND là 27.347.165.000 đồng; nguồn vận động xã hội hoá để hỗ trợ các đối tượng ngoài quy định là 12.556.056.000 đồng.
Cụ thể, kết quả hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Cầu Giấy đã ra Quyết định hỗ trợ cho 8.595 lượt lao động; 261 hộ kinh doanh; 80 người cách ly y tế với số tiền trên 23,4 tỷ đồng. Trong đó, đã chi hỗ trợ cho 3.720 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với số tiền 15.250.205.000 đồng; 4.863 lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm với số tiền 7.294.500.000 đồng; 12 người lao động bị ngừng việc với số tiền 19.000.000 đồng; 261 hộ kinh doanh tạm dừng kinh doanh với số tiền 783.000.000 đồng; 80 người cách ly y tế tập trung với 90.960.000 đồng.
Tổ thẩm định quận Cầu Giấy họp xét duyệt hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19
Về kết quả thực hiện chính sách đặc thù cho các đối tượng quy định tại Nghị quyết 15 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho 3.239 đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, 05 lao động tại Hộ kinh doanh tạm hoãn HĐLĐ, 46 cơ sở giáo dục tư thục vơi 214 lao động, 90 chủ nhóm lớp mầm non tư thục: 3.909.500.000 đồng. Trong đó chi trả xong cho 3.239 đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội, số tiền 3.239.000.000 đồng: 05 lao động làm việc tại hộ kinh doanh có tham gia BHXH phải tạm hoãn HĐLĐ với số tiền 11.500.000 đồng; 46 cơ sở giáo dục tư thục với 214 lao động không tham gia BHXH, tạm hoãn HĐLĐ với số tiền 389.000.000 đồng; 90 chủ nhóm lớp mầm non độc lập tư thục với số tiền 270.000.000 đồng.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, thông qua cơ quan BHXH và Ngân hàng CSXH có 8.837 người sử dụng lao động, 129.075 người lao động, 03 doanh nghiệp được hỗ trợ với số tiền 26.505.265.000 đồng. Trong đó: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 8.830 người sử dụng lao động và 128.760 người lao động với số tiền 12.588.763.000 đồng; Tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho 315 người lao động và 07 người sử dụng lao động với số tiền 2.212.342.000 đồng; Hỗ trợ 03 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 2.413 người lao động với số tiền 11.704.160.000 đồng.
Ngoài ra, với tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái", từ khi thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhân dân lao động và các đối tượng yếu thế. Nhằm quan tâm, chăm lo đời sống nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể chính trị từ quận đến phường đã huy động xã hội hoá các trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm để hỗ trợ các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch, cá nhân, hộ gia đình gặp khó khăn, lao động ngoại tỉnh sinh viên tạm trú trên địa bàn, hỗ trợ hơn 350 tấn gạo, 1.979 túi an sinh công đoàn và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho hơn 53.000 lượt người với tổng số tiền là 12.556.056.000 đồng.
Mai Phượng
TIN LIÊN QUAN
TAG: