Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Phúc Thọ: Phát triển kinh tế làng nghề, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân
11:21 PM 16/08/2022
(LĐXH)- Ngoài trồng trọt là nghề chính, nhiều nghề và làng nghề ra đời góp phần quan trọng giải quyết nhiều việc làm và đem lại nguồn thu nhập đáng kể giúp nâng cao đời sống người dân huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Phúc Thọ là một huyện phía Tây Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 35km, diện tích 118,5km2, dân số hơn 190 nghìn người. Do điều kiện tự nhiên, ở huyện đã hình thành nên hai vùng: Vùng đồng chuyên trồng lúa và vùng bãi chuyên trồng các loại hoa màu. Từ đó, trên quê hương Phúc Thọ đã sản sinh ra nhiều ngành nghề truyền thống, để rồi lưu giữ, phát triển qua tiến trình của lịch sử, xây dựng lên truyền thống tốt đẹp trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương. Tiêu biểu là các làng nghề truyền thống như: Mộc, xẻ, đan lát; chế biến bún, bánh và đậu phụ. Gần đây có một số ngành nghề mới như: Trồng cây cảnh, cây ăn quả, rau củ sạch;  nuôi con đặc sản, chế biến tinh bột sắn; làm rượu nếp, nghề may thêu, thú nhồi bông, đồ gốm mỹ nghệ...
Huyện ủy Phúc Thọ khóa XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xây dựng Chương trình số 02-Ctr/HU về “Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, phát triển kinh tế làng nghề trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là chương trình trọng tâm về phát triển kinh tế, trong đó xác định phát triển kinh tế làng nghề được coi là bước đi đúng hướng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Phúc Thọ có 5 làng nghề đã được thành phố Hà Nội công nhận gồm: Làng nghề may Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp), làng nghề chế biến nông sản bún, bánh, đậu phụ Linh Chiểu (xã Sen Phương), 2 làng nghề chế biến nông sản tinh bột sắn là Hiếu Hiệp và Hạ Hiệp (xã Liên Hiệp), làng nghề dệt thảm thôn Đông (xã Phụng Thượng).
Sản xuất hàng may mặc tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Trong các làng nghề truyền thống của huyện thì nghề may ở Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp là một trong những nghề phát triển khá mạnh. Sản phẩm của làng nghề là quần, áo thời trang, thú nhồi bông và các sản phẩm may mặc khác. Sản phẩm của làng nghề Tam Hiệp phong phú về mẫu mã, giá cả hợp lý và đã có mặt trên khắp thị trường trong nước, đặc biệt là sản phẩm thú nhồi bông đã có mặt ở thị trường nước ngoài.
Hiện tại, làng Thượng Hiệp có 325 cơ sở sản xuất giải quyết việc làm cho 1.800 lao động; thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Do hiệu quả kinh tế cao, nghề may và làm thú nhồi bông hiện đã được nhiều hộ dân ở các làng khác của xã Tam Hiệp nhân rộng. Làng nghề này không chỉ tạo việc làm cho lao động tại chỗ mà còn thu hút nhiều lao động ở các xã lân cận như Ngọc Tảo, Tam Thuấn, Hiệp Thuận...
Để khuyến khích phát triển mô hình làng nghề này, từ năm 2015 Huyện ủy Phúc Thọ đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về xây dựng xã Tam Hiệp thành điển hình về phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đây được coi là đòn bẩy, thúc đẩy kinh tế làng nghề mũi nhọn ở Tam Hiệp nói riêng và huyện Phúc Thọ nói chung.
Làng nghề chế biến nông sản Linh Chiểu, xã Sen Phương đã có từ lâu đời. Sản phẩm của làng nghề là các mặt hàng như bún, bánh, đậu phụ... Làng nghề này hiện có 225 hộ làm nghề với 487 lao động, thu nhập bình quân 6 đồng/người/tháng. Sản phẩm của làng nghề Linh Chiểu được tiêu thụ rộng rãi ở khu vực thị xã  Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì.
Bên cạnh những làng nghề phát triển cũng có làng nghề bị mai một do hiệu quả kinh tế không cao. Điển hình là 2 làng nghề chế biến tinh bột sắn Hiếu Hiệp, Hạ Hiệp ở xã Liên Hiệp. Việc sản xuất tinh bột sắn thường xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện các hộ trong 2 làng nghề này đã chuyển sang các nghề khác như: Cơ khí, mộc, may... có hiệu quả kinh tế cao hơn. Để bảo tồn, phát triển các làng nghề trên địa bàn, huyện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất tập trung tại cụm công nghiệp của địa phương nhằm bảo đảm việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải thuận tiện, bảo vệ môi trường. Huyện khuyến khích địa phương lựa chọn nhân, cấy nghề mới để phù hợp với thị trường và mang lại thu nhập cao cho nhân dân.

Một xưởng sản xuất mộc ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ

Ngoài 5 làng nghề đã được thành phố công nhận, trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn có một số làng có nghề mới, tiêu biểu là nghề chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ ở làng Hát Môn (xã Hát Môn), làng Phú An (xã Thanh Đa), làng Triệu Xuyên (xã Long Xuyên), xã Liên Hiệp.... Nhiều cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm từ gỗ của các làng này rất đa dạng, phong phú, thẩm mỹ đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và nhu cầu của thị trường.
Nổi bật là các sản phẩm như: bàn, ghế, tủ bếp, tủ tường, giường ngủ, bàn phấn trang điểm... Những mặt hàng này hiện đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Bên cạnh đó, nghề sản xuất các sản phẩm từ kim loại ở các xã Võng Xuyên, Liên Hiệp, Tích Giang, Long Xuyên cũng khá phát triển... Hoạt động của các làng nghề này hằng năm đã thu hút nhiều lao động với mức thu nhập bình quân từ 60 - 80 triệu đồng/lao động/năm, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.
Có thể thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả của các làng nghề, nhất là nghề may, nghề mộc, cơ khí... trên địa bàn huyện Phúc Thọ thời gian qua đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Để khuyến khích các làng nghề tiếp tục phát triển, gần đây, huyện đang đầu tư các dự án ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất tại làng nghề Triệu Xuyên (xã Long Xuyên) và dự án ứng dụng máy móc, thiết bị vào xử lý môi trường tại xã Liên Hiệp. Đề xuất thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề” năm 2022 đối với làng nghề mộc Phú An (xã Thanh Đa) và làng nghề hoa, cây cảnh xã Tích Giang. Đồng thời xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) và làng nghề Linh Chiểu (xã Sen Phương).
Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức tập huấn chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho các làng nghề đối với làng nghề Triệu Xuyên, làng nghề Phú An và làng nghề Thượng Hiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất của lao động thông qua việc truyền nghề, nhân cấy nghề...
Với những chủ trương đúng đắn, việc làm cụ thể của Huyện ủy, UBND huyện và sự năng động, đức tính cần cù chịu khó của người dân Phúc Thọ, tin rằng trong thời gian tới kinh tế làng nghề nơi đây sẽ tiếp tục khởi sắc, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, xây dựng quê hương Phúc Thọ ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh ./.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật