Phú Thọ nỗ lực giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
(LĐXH)- Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua, Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng, tự nhiên.
Tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên 3.534,6 km2 (vùng núi chiếm 79%, vùng trung du chiếm 14,35%, vùng đồng bằng chiếm 6,65% diện tích tự nhiên), gồm 13 đơn vị hành chính cấp huyện (11 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố). Toàn tỉnh có 225 xã, phường, thị trấn, trong đó có 26 xã đặc biệt khó khăn và 70 thôn đặc biệt khó khăn; dân số trên 1,5 triệu người (tỷ lệ nữ chiếm 50,4%), lực lượng lao động nữ từ 15 tuổi trở lên là 430.400/860.000 người.
Nhiều năm trước đây, nhận thức dân trí về lĩnh vực gia đình, giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới ở Phú Thọ còn có những hạn chế nhất định, tư tưởng định kiến giới còn tồn tại trong gia đình và xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường”, con trai mới là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình là biểu hiện rõ rệt nhất của sự bất bình đẳng giới. Chính vì vậy đã làm gia tăng sự mất cân bằng giới tính khi sinh, sự chênh lệch giới tính khi sinh càng cao thì càng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giới…
Người dân xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) tìm hiểu về việc mất cân bằng giới tính khi sinh qua các tờ rơi tuyên truyền
“Thông qua việc triển khai các hoạt động truyền thông, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ... đã nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc thực hiện các giải pháp nhằm làm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh. Từng bước nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đối với sự phát triển bền vững của gia đình và xã hội, từ đó có những chuyển biến tích cực về hành vi liên quan đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” - Phó Giám đốc Hoàng Xuân Đoài, chia sẻ.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, Ngành Y tế tỉnh Phú Thọ đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong nhân dân về vấn đề mất cân bằng giới khi sinh và đạt nhiều kết quả; đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và sinh con thứ 3 trở lên. Đến nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Hiện tại, 100% các bệnh viện, trung tâm y tế 2 chức năng đều có Khoa Sản phụ khoa/Khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản; 100% các cơ sở y tế cam kết không thông báo giới tính thai nhi cho phụ nữ có thai, người thân của họ và không loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính...
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đặt chỉ tiêu tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.
Để đạt được chỉ tiêu này, thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu mất cân bằng giới khi sinh nhằm khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với việc giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới khi sinh tại cộng đồng; nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới khi sinh...
Chí Tâm
TAG:
khi sinh