Phú Thọ giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ của phụ nữ còn 1,7 lần
(LĐXH)- Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, tỉnh Phú Thọ đặt chỉ tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới.
Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm thực hiện công tác bình đẳng giới, trong đó có mục tiêu phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn; đồng thời, nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội, giúp chị em giảm tư tưởng tự ti, mặc cảm, an phận để từng bước tự tin hơn, phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động, công tác.
Đặc biệt, tỉnh đã xác định phụ nữ luôn là điểm tựa tinh thần, gắn kết các thành viên trong gia đình, giữ vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc bền vững. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, lao động, công tác, phụ nữ còn chăm lo nuôi dạy con tốt, bảo vệ hạnh phúc gia đình, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân và các tầng lớp phụ nữ ở Phú Thọ ngày càng được nâng cao
Tính trung bình mỗi năm, toàn tỉnh Phú Thọ cũng đã phát hàng chục nghìn tờ gấp, treo hàng nghìn băng rôn, pa nô, áp phích cổ động trực quan nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; Ngày gia đình Việt Nam 28/6; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… trên các trục đường chính, nơi công cộng, nơi đông dân cư. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã nhằm tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, vận động các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống…
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới vào các chương trình, kế hoạch, các hội nghị, hội thảo của các ngành, Sở Lao động - Thương binh và xã hội Phú Thọ đã Các sở, ngành đã phối hợp tổ chức 185 lớp tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống Bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho 20.250 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, hội viên hội nông dân…
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời giúp các thành viên trong gia đình có kiến thức, kỹ năng sống, chủ động phòng ngừa sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình.
Tiếp đến, nhằm đảm bảo mục tiêu phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tỉnh Phú Thọ cũng đã thực hiện nghiêm túc và tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; các kỹ năng ứng xử trong gia đình, kịp thời hòa giải các vụ bạo lực gia đình ở cơ sở. Qua đó đã góp phần từng bước giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái, tảo hôn, bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Tính đến năm 2022 và trong 6 tháng đầu năm 2023, 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn…
Nhằm phát huy những kết quả đạt được trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tỉnh Phú Thọ đặt chỉ tiêu giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới. Đến năm 2025, đạt 95% và đến 2030 đạt 97% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 97% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn. Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng. Đến năm 2025, có 70% và năm 2030 có 100% các cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Chí Tâm