Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Phú Thọ giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị
06:06 AM 25/07/2023
(LĐXH)- Nhiều năm qua, nhằm khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ, tỉnh Phú Thọ đã tập trung thực hiện các hoạt động giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Để thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác bình đẳng giới.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: phát trên loa truyền thanh, treo băng zôn tuyên truyền...
Chỉ tính riêng trong năm 2022, đã tổ chức 14 hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho gần 2.500 đại biểu là trưởng khu dân cư, các hội đoàn thể, đại diện hộ gia đình, các cặp vợ chồng có nguy cơ bị bạo lực, bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở (băng zôn, khẩu hiệu, loa phát thanh, Website…) với 1.266 lượt, tổng số người tham gia là 131.565 người; sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông số lượng với 626, thu hút 24.847 người tham gia (trong đó nam 12.191 người, nữ 12.656 người)...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Thọ cũng đã phối hợp tổ chức phát động và các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với 699 cuộc, thu hút với 164.103 người tham gia (trong đó nam 79.590 người, nữ 84.513 người); phối hợp với Trung tâm kinh doanh VNPT tỉnh Phú Thọ tuyên truyền Tháng hành động qua tin nhắn điện thoại (300.000 thuê bao điện thoại).
Chất lượng công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ ở Phú Thọ ngày càng được nâng cao
Đặc biệt, để thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ nữ và công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ được chú trọng quan tâm trên các lĩnh vực. Cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị đã rà soát đánh giá về phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, năng lực thực tiễn của từng cán bộ nữ để bố trí, sắp xếp, sử dụng lao động nữ phù hợp với trình độ, năng lực và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực công tác, giúp phụ nữ có cơ hội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ phụ nữ phát huy khả năng sáng tạo của cá nhân, có nhiều biện pháp cụ thể trong việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ, phát huy được thế mạnh của đội ngũ cán bộ nữ trên các lĩnh vực hoạt động của từng ngành.
Đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt trong HĐND, UBND các cấp ở cấp tỉnh có 7 người, trong đó nữ chiếm 14,28%; cấp huyện, năm 2021 có 66 người (nữ chiếm 10,6%), năm 2022 có 66 người (nữ chiếm 12.12); cấp xã, năm 2021 có 926 người (nữ 114 chiếm 12,31%), năm 2022 có 930 người (nữ 115 chiếm 12,37%).
Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2021, tổng số có 74 người (trong đó nữ 11 người, chiếm 14,9%); năm 2022 có 74 người (nữ 11 người, chiếm 14,9%). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện năm 2021 có 410 người (nữ 119 người, chiếm 29,02%).
Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 cho thấy, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan dân cử đã đạt được những yếu tố tích cực, tỷ lệ nữ tham gia tiếp tục tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cụ thể, cán bộ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội là 02 đại biểu, đạt 28,57%; nữ đại biểu tham gia HĐND cấp tỉnh 25 đại biểu nữ, đạt 35,71% (tăng 5,3% so với nhiệm kỳ trước); cấp huyện 107 đại biểu, đạt 23,99%; cấp xã 1.442 đại biểu, đạt 28,29% (tăng 1,69% so với nhiệm kỳ trước).
Tỉnh Phú Thọ có 10/19 cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ, chiếm 52,6% (phấn đấu đạt 60% vào năm 2025). Bên cạnh đó, công tác đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ được các cấp ủy chỉ đạo thực hiện hợp lý về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, ngày càng nâng cao về số lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý...
Có thể thấy, thực hiện mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị của tỉnh Phú Thọ được quan tâm thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, vai trò, vị trí của phụ nữ trong hệ thống chính trị, gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định.

Chí Tâm

TAG: giảm khoảng cách chính trị
Tin khác
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa