Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Phú Thọ: Đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm
10:27 AM 20/07/2023
(LĐXH) – Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, phụ nữ tỉnh Phú Thọ đã ngày càng mạnh dạn, tự tin khẳng định bản thân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung cũng như trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm nói riêng.
Phụ nữ xã Tân Phú, huyện Tân Sơn có việc làm ổn định nhờ học nghề may công nghiệp
Nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người lao động, trong đó có lao động nữ như: Tổ chức chương trình tiếp xúc, đối thoại của lãnh đạo tỉnh với nữ công nhân lao động, nữ đoàn viên thanh niên; tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; tổ chức các phiên giao dịch định kỳ, điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, về thực trạng việc làm, tình trạng thất nghiệp của người lao động để kết nối cung cầu; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ.   
Tỉnh cũng tập trung triển khai các chính sách, chương trình đào tạo nghề; đào tạo nghề cho người lao động khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ, đặc biệt là lao động nữ bị mất việc làm. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tiếp cận các nguồn lực kinh tế như đất canh tác, các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, thông tin về luật pháp, chính sách và cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ được hỗ trợ giúp đỡ thoát nghèo.
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có trên 6.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp có xu hướng tăng lên với trên 1.400 doanh nghiệp do nữ làm chủ. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 18 câu lạc bộ nữ chủ doanh nghiệp; 02 hợp tác xã kiểu mới; 32 tổ hợp các nhóm phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh được thành lập, hoạt động hiệu quả.
Hàng năm, tỉnh Phú Thọ có từ 7.000 đến 8.000 lao động nữ được giải quyết việc làm; từ 5.000 đến 6.000 lao động nữ được đào tạo và tạo việc làm mới, có thu nhập ổn định. 100% phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn đều được hỗ trợ vay ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác. Tỷ lệ phụ nữ được tham gia các lớp đào tạo nghề hàng năm chiếm gần 60%, qua đó đã áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó phải kể đến mô hình sản xuất, kinh doanh tổng hợp của chị Trịnh Thị Hồng (sinh năm 1972), ở khu Bằng Thung, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập.
Mô hình chăn nuôi của chị Trịnh Thị Hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao
 Sau khi xây dựng gia đình, những ngày đầu kinh tế của vợ chồng chị Hồng gặp muôn vàn khó khăn, thiếu vốn, thiếu con giống để sản xuất, chăn nuôi. Không chịu đầu hàng trước khó khăn, chị tích cực đi học hỏi kinh nghiệm của những anh chị tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh đem lại thu nhập tốt và tìm hiều trên tivi, sách, báo, đặc biệt dành  nhiều thời gian đến tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện. Ban đầu, chị Hồng chủ yếu là nấu rượu, trồng rau, cỏ chăn nuôi bò nái sinh sản, vài con lợn thịt thương phẩm. Sau khi tích cóp được nguồn vốn năm đến năm 2017 chị đầu tư vào xây dựng thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn, đầu tư máy say sát, trồng cây ăn quả, đào ao thả cá và trồng hơn 02 ha rừng keo nguyên liệu.
Hiện nay, gia đình chị Hồng chăn nuôi gần 40 con lợn thịt thương phẩm chuẩn bị xuất bán, gần 2 ha cây ca keo đến chu kỳ khai thác. Ngoài ra chị Hồng còn bán thức chăn nuôi, phân bón, làm máy say xát với tổng thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.  Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, chị  Hồng còn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào của Hội phụ nữ xã phát động. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi cho chị em phụ nữ  và người dân trên địa bàn, giúp đỡ chị em phụ nữ gặp khó khăn về giống, vốn để cùng phát triển./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Xe ôm công nghệ tắt app, kiếm tiền triệu nhờ vận chuyển cây cảnh dịp Tết
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức họp mặt chúc tết cán bộ hưu trí của Sở qua các thời kỳ
Hưng Yên: Thực hiện kịp thời trợ cấp xã hội hàng tháng cho trên 64.000 đối tượng
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
‘Biển người’ đổ về hồ Tây xem 2.025 drone trình diễn ánh sáng
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ