Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới trên không gian mạng
(LĐXH) - Nhằm nâng cao nhận thức của sinh viên, học sinh về nguy cơ bạo lực trong bối cảnh công nghệ số hóa ngày càng phát triển, ngày 18/10 tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã phối hợp với trường Đại học FPT Hà Nội tổ chức buổi Toạ đàm Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng.
Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, ban lãnh đạo cùng 400 sinh viên Đại học FPT Hà Nội. Đây cũng được coi là chủ đề khá “nóng” trong bối cảnh mạng xã hôi ngày càng phát triển. Ngoài những hiệu ứng tích cực do công nghệ số mạng lại, vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn do con người gây ra, trong đó, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp là phụ nữ và trẻ em gái là những người đang chịu nhiều tác động nhất, đặc biệt là việc bị phân biệt đối xử và bạo lực.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và kỹ thuật số đã đem lại nhiều cơ hội, thành quả to lớn, đồng thời cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức trong hầu hết các lĩnh vực. Vấn đề phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, việc bảo vệ trẻ em và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên không gian mạng là một trong những nội dung được Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quan tâm và cam kết thực hiện. Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng ngày càng được bổ sung, hoàn thiện cùng nhiều nội dung quan trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng về phòng ngừa bạo lực trên không gian mạng luôn được quan tâm, đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết các vấn đề về trẻ em trên môi trường mạng, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Báo cáo Thực trạng Trẻ em gái Thế giới năm 2020 do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ cho thấy, 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến; 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian mạng. Con số này cao hơn rất nhiều so với ước tính toàn cầu hiện tại về bạo lực gây ra bởi bạn tình trong đời- là 31%.
Ông Matt Jackson, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểy tại buổi toạ đàm
Với mục tiêu cung cấp thông tin, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên của Trường có một cái nhìn toàn diện, đa chiều về các hình thức bạo lực trên không gian mạng để các bạn có kỹ năng bảo vệ, phát hiện và ngăn chặn khi sử dụng mạng xã hội; đồng thời khuyến khích cơ sở đào tạo lồng ghép, đưa các nội dung về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực và các thực hành có hại trên môi trường mạng vào chương trình giảng dạy… Đây sẽ là những cơ sở quan trọng giúp cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ luật pháp, chính sách về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới nói chung, trên không gian mạng và sử dụng công nghệ nói riêng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Theo ông Matt Jackson, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, mặc dù quá trình số hóa trên thế giới mang lại những cơ hội phát triển đáng kể nhưng đây cũng là không gian mà nhiều mối nguy hại có thể xảy ra. Công nghệ và những không gian mạng ngày càng bị sử dụng sai mục đích, gây ra nhiều mối nguy hại cho phụ nữ và trẻ em gái.
"Giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới sử dụng công nghệ vốn là một lĩnh vực ngày càng được nhiều người quan tâm. Việc đảm bảo cho mọi người có thể tự do tham gia không gian mạng mà không sợ bạo lực và xâm hại, đồng thời, thực hiện hiệu quả quyền tự do ngôn luận của mình, việc cùng nhau hợp tác để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên không gian mạng là điều cần thiết phải làm…Tất cả không gian, dù là thế giới ảo hay thực, đều không được có bạo lực trên cơ sở giới...”, ông Matt Jackson chia sẻ.
Thông điệp của các bạn sinh viên trường Đại học FPT
Tại buổi tọa đàm, đại diện UNFPA tại Việt Nam cũng đã kêu gọi tất cả sinh viên tham gia chiến dịch Bodyright của UNFPA để cùng lên tiếng và thúc đẩy các công ty kỹ thuật số, các nền tảng xã hội, các trang chia sẻ nội dung và các nhà hoạch định chính sách cùng xem xét các hành vi bạo lực và xâm hại trực tuyến một cách nghiêm trọng như các hành vi vi phạm bản quyền.
Đại biểu và các bạn sinh viên trường Đại học FPT chụp ảnh lưu niệm
Bodyright - bản quyền mới dành cho cơ thể con người là một sáng kiến do UNFPA khởi xướng để khẳng định và yêu cầu được bảo vệ trước bạo lực trên cơ sở giới trực tuyến. Nói cách khác, Bodyright là quyền sở hữu cơ thể của bạn trên không gian mạng. |