Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành vượt bậc một số lĩnh vực trong năm 2018
(LĐXH) - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác Lao động - Người có công và Xã hội năm 2019 do Bộ LĐTBXH tổ chức ngày 18/1/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Năm 2018, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã đạt được kết quả toàn diện, nhiều lĩnh vực của ngành đạt kết quả vượt bậc rất rõ nét. Toàn ngành đã góp phần rất quan trọng cùng với Chính phủ thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong các lĩnh vực ngành quản lý, Phó Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội là lĩnh vực đặc biệt quan trọng đối với ngành LĐTBXH hiện nay. Phân tích kỹ các con số đạt được cho thấy lĩnh vực này có sự tiến bộ vượt bậc và đây là những chuyển biến rất đáng mừng. Trong các năm từ 2013 - 2016, công tác tuyển sinh của khối GDNN vô cùng khó khăn, phần lớn các trường, cơ sở đào tạo chỉ tuyển sinh được 50-60% so với kế hoạch đề ra. Song với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Bộ LĐTBXH đã tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo trên cả nước với nhiều nội dung, đối tượng khác nhau, nhằm rà soát, đánh giá toàn diện lĩnh vực GDNN để đưa ra các giải pháp mang tính trọng tâm về đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN,... Nhờ đó, chỉ tiêu tuyển sinh ở khối GDNN vượt hơn 1% vào năm 2017 và năm nay vượt 5% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, năm 2018, ngành LĐTBXH đã làm rất tốt việc đưa hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn vào các cơ sở GDNN, qua đó giúp việc quản lý về hoạt động này chặt chẽ hơn, chất lượng đào tạo cũng tốt hơn, theo đó ngành cần tiếp tục phát huy, Phó Thủ tướng khích lệ.
Đưa ra những lưu ý trong công tác GDNN, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hiện tỷ lệ lao động (LĐ) có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp có bằng còn quá thấp, vì vậy, phải nghiên cứu giải pháp để tăng con số số này gấp đôi, hoặc vài lần trong một thời gian ngắn nhất. Theo đó, hệ thống pháp luật phải thường xuyên rà soát và bổ sung. Các khoản chi ngân sách cho lĩnh vực đào tạo nghề phải được giữ nguyên, không nên cắt giảm. Hiện Quốc hội đang xem xét để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Bộ LĐTBXH đã có tờ trình cuối cùng lên Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với cơ sở GDNN công lập. Các địa phương phải coi đây là một nhiệm vụ rất trọng tâm và chỉ đạo tích cực các cơ sở GDNN thực hiện cơ chế tự chủ trong năm 2019 và những năm tới đây để nâng cao, đổi mới chất lượng GDNN, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và doanh nghiệp…. Việc hỗ trợ người học về kinh phí là một giải pháp đáng lưu tâm nhằm thúc đẩy công tác tuyển sinh.
người có công và xã hội năm 2019
Lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đạt kết quả đáng mừng với số lượng người LĐ đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng đông kỷ lục và chất lượng LĐ XKLĐ cũng tốt lên. Hiện nay có rất nhiều thị trường tốt như Nhật Bản, Đài Loan rất cần lao động, vì vậy phải chuẩn bị được một lực lượng LĐ chất lượng với trình độ tay nghề, các tiêu chuẩn, ngôn ngữ, kỹ năng, thái độ, cư xử văn hóa tốt để giúp họ được tiếp nhận vào thị trường khó nhất, đáp ứng được yêu cầu của những ngành nghề có thu nhập cao. Cũng cần cân nhắc những thị trường có công việc quá vất vả mà thu nhập không cáo, không phải ngành công nghệ, kỹ thuật... Bên cạnh đó, một nhiệm vụ cần phải đạt kết quả nổi bật trong năm nay đối với lĩnh vực này là nghiên cứu thực hiện mô hình kết nối cung cầu giữa nguồn LĐ đi XKLĐ về nước sau khi hết thời hạn với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, các dự án đầu tư, bố trí lại lao động. Thực hiện được điều này sẽ vừa phát huy được thế mạnh của nguồn LĐ có trình độ tay nghề vừa đáp ứng được nhu cầu lớn về lực lượng LĐ trẻ có trình độ tay nghề của các khu công nghiệp, các công ty, tập đoàn nước ngoài tại các địa phương, đồng thời tạo được sự tin tưởng về nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy hoạt động của các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Ghi nhận công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với một số lĩnh vực của ngành, Phó thủ tướng nêu rõ: Trong lĩnh vực người có công (NCC), năm 2018 ngành đã thực hiện rất tốt việc đồng bộ và quy chuẩn hóa cơ sở dữ liệu thông tin về hồ sơ NCC, nghĩa trang liệt sĩ. Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ cũng là công cụ hữu ích góp phần thực hiện việc quản lý, khai thác, giải quyết chính sách ưu đãi NCC nhanh chóng, hiệu quả, an toàn hiện đại và chính xác hơn, từ đó chăm sóc NCC, trước hết là gia đình liệt sĩ được tốt hơn.
Đối với lĩnh vực lao động – việc làm, mặc dù đã có sự tiến bộ trong ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển thị trường LĐ song con số trên 40.000 trong tổng số trên 600.000 doanh nghiệp của cả nước tham gia vào Cổng thông tin điện tử việc làm của Bộ LĐTBXH và 17.000 LĐ truy cập tìm kiếm thông tin về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc tại đây cho thấy vẫn còn ít. Ngành cần tiếp tục đưa ra những giải pháp để những thông tin về thị trường LĐ thấm sâu và rộng vào nhiều doanh nghiệp và người LĐ hơn nữa.
Trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được 60 tỉnh, thành phố thực hiện. Hiện nay, việc thiết thực nhất cần phải làm là nghiên hình thức thanh toán qua một đơn vị dịch vụ đối với tất cả các chế độ, chính sách trợ cấp cho các đối tượng và người dân được hưởng từ ngân sách Nhà nước. Bởi hình thức chi trả này đảm bảo được tính công khai, minh bạch, giúp đội ngũ cán bộ có thời gian làm những việc cần thiết hơn, thay ngành LĐTBXH, BHXH lập và bảo hành, bảo đảm an toàn hệ thống cơ sở dữ liệu về tất cả các đối tượng thụ hưởng. Hơn thế nữa, trong những dịp tết hay lúc thiên tai, địch họa xảy ra, với quỹ tiền dồi dào, những đơn vị làm dịch vụ thanh toán như ngân hàng hay bưu điện luôn có khả năng chi trả một số tiền lớn đồng loạt, nhanh, kịp thời đến đối tượng thụ hưởng trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục giải ngân từ ngân sách. Theo kỳ vọng, đến năm 2020, phấn đấu mỗi người dân có thẻ an sinh trong 6 trụ cột cơ bản, tích hợp trong 1 thẻ. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam sẽ triển khai Đề án thẻ an sinh điện tử. Cả 3 ngành LĐTBXH, Y tế, BHXH cần tích cực nghiên cứu Đền án, phối hợp cùng nhau xây dựng, thực hiện để tích hợp tất cả các thông tin phục vụ công tác quản lý của mình.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trong năm 2019 ngành cần quan tâm đến các chính sách đối với người già cô đơn, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Phó Thủ tướng, hiện có rất nhiều trung tâm bảo trợ xã hội khó khăn, hoạt động xã hội hóa đầu tư vào các trung tâm này còn rất hạn chế. Ngành LĐTBXH cần nghiên cứu lại và đưa ra các giải pháp khuyến khích, kêu gọi sự ủng hộ, nguồn lực đầu tư vào các cơ sở xã hội nhiều hơn. Việc kết nối các đối tượng yếu thế cần trợ giúp với các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị,… có tấm lòng muốn chia sẻ phải đúng địa chỉ và có tác động giúp xóa đói giảm nghèo, giúp những người yếu thế trong xã hội vươn lên một cách thực sự. Bên cạnh đó, Bộ cần phối hợp các hội đoàn thể chính trị - xã hội rà soát, bổ sung các địa chỉ cần trợ giúp, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng, quản lý, cập nhật, kết nối hệ thống địa chỉ này, trong đó tách bạch các đối tượng được trợ giúp từ ngân sách Nhà nước với các đối tượng được giúp từ các nguồn khác... để thực hiện trợ giúp đối tượng hiệu quả.
Trong công tác bảo vệ trẻ em, theo Phó Thủ tướng còn rất nhiều việc phải giải quyết song ngay từ những ngày đầu năm 2019 ngành LĐTBXH cần thực hiện những nhiệm vụ được giao trong thẩm quyền nhưng chưa làm tốt. Hiện nay vẫn còn 17 tỉnh chưa có Ban chỉ đạo hay Hội đồng bảo vệ trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã rất ít, mới có 5.510 xã/11.162 xã và 440/715 huyện thực hiện thành lập bộ phận này. Phó Thủ tướng đề nghị Giám đốc Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố sau hội nghị này phải có trách nhiệm làm văn bản tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện. Bộ phận chuyên trách này phải được thành lập và hoạt động thì Bộ LĐTBXH mới có cơ sở để triển khai phối hợp với các thành viên trong Ban Chỉ đạo như các ngành Công an, Y tế, Hội LHPN, Đoàn thanh niên… tổ chức các chương trình tập huấn chung, nắm vấn đề cần triển khai thực hiện, từ đó tạo chuyển biến căn bản. Phó Thủ tướng thẳng thắn nhắc nhở: Hiện chúng ta chỉ tập trung quan tâm khi những vấn đề bức xúc về trẻ em xảy ra, còn cơ chế để phòng lại chưa được quan tâm đúng mức. Nếu không thực hiện việc lập cơ chế phối hợp để giao trách nhiệm cụ thể về bảo vệ trẻ em thì chúng ta sẽ không thể bảo vệ được trẻ em. Trong thời gian 1 tháng tới, Bộ LĐTBXH phải tổng hợp những tỉnh, huyện chưa triển khai thực hiện, điạ phương nào còn trậm trễ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chỉ đạo và báo cáo Thủ tướng phê bình.
Kết thúc bài phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tình cảm và trách nhiệm nhắn nhủ Hội nghị: Tết Nguyên đán đang đến rất gần, tất cả các ngành, các địa phương, đơn vị và đặc biệt là ngành LĐTBXH cần chỉ đạo, quan tâm và cùng chung tay với các gia đình chính sách, người nghèo, người có công, người thuộc diện bảo trợ, đảm bảo tất cả các đối tượng trong xã hội có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, không để ai không vui Tết.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương, cảm ơn sự nỗ lực của toàn ngành LĐTBXH và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, hội đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đã luôn đồng hành và sát cánh với ngành LĐTBXH vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời động viên đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành trên dưới đồng lòng, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao năm 2019 trên tinh thần chỉ đạo của đồng chí Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Năm 2019 phải hơn 2018”, không chỉ hơn về số liệu mà phải tìm ra một số nội dung trọng tâm để chỉ đạo thực hiện, tạo bứt phá cho 2019 và những năm tiếp theo./.
Mỹ Hạnh
TAG: