Phát triển mô hình nuôi Bò: Hướng đi giảm nghèo bền vững ở Nam Định
(LĐXH) Chăn nuôi bò là một trong những mô hình hiệu quả đã giúp nhiều hộ nghèo tham gia Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững ở tỉnh Nam Định vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Lựa chọn mô hình giảm nghèo phù hợp với cơ sở
Với mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thuộc vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển chăn nuôi bò, tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời đánh giá, hoàn thiện, từng bước nhân rộng mô hình, góp phần thực hiện và hoàn thiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020, năm 2017, tỉnh Nam Định được trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng để triển khai Dự án nhân rộng mô hình phát triển nuôi bò giảm nghèo.
Ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định cho biết: Để triển khai nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đảm bảo yêu cầu phù hợp với từng vùng, từng nhóm dân cư, Sở đã tập hợp các thông tin về điều kiện tự nhiên, đặc điểm các vùng kinh tế của tỉnh, khảo sát xác định các mô hình sản xuất nhỏ (quy mô gia đình) phù hợp với vùng kinh tế và mô hình tạo thu nhập phù hợp với các nhóm hộ nghèo. Theo đó, tỉnh Nam Định có 03 vùng kinh tế là: Kinh tế công nghiệp - dịch vụ; Kinh tế biển; Sản xuất nông nghiệp kết hợp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cả 2 vùng kinh tế biển và sản xuất nông nghiệp đều có đặc điểm chung là có nhiều ưu thế thâm canh cây trồng và phát triển chăn nuôi đa dạng. Với lợi thế đất vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tuyệt đại đa số các hộ gia đình nông dân trong 2 vùng này đều có trồng hoa, trồng cây ăn quả. Ngoài các vườn gia đình, còn có khá nhiều đất bãi ven sông, ven biển và các hồ nước cạnh các tuyến đê sông, đê biển được nông dân tạo ra những cánh đồng hoa, rừng sú, rừng vẹt, những đầm nuôi cá, chăn nuôi thủy cầm. Cả 2 vùng này rất phù hợp với mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, chăn nuôi thủy cầm và nuôi ong mật.
Nhờ được hỗ trợ từ dự án, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã đã có điều kiện phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình (Ảnh minh họa)
Trên cơ sở phân tích tiêu chí lựa chọn, Nam Định đã chọn xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy để thực hiện và nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo. Tổng kinh phí dự án phê duyệt 608 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 500 triệu đồng và vốn do các hộ nghèo tham gia dự án đóng góp 108 triệu đồng. Triển khai dự án, UBND xã Hồng Thuận đã thành lập Ban điều hành dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2017, Mô hình “Phát triển nuôi bò” do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo phòng LĐTBXH và một số cơ quan chuyên môn làm thành viên. Theo ghi nhận của xã, các hộ nghèo tham gia dự án đều rất phấn khởi, nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết với chính quyền cơ sở về nội dung các bước tiến hành để thực hiện dự án hiệu quả nhất.
Công khai, minh bạch điều kiện tiểu chuẩn thụ hưởng
Để việc triển khai hiệu quả, xã Hồng Thuận đã lấy ý kiến của tập thể và thống nhất ký hợp đồng trách nhiệm 3 bên giữa Sở LĐTBXH, Phòng LĐTBXH và UBND xã về các nội dung, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ. Cùng với đó, xã triển khai rộng rãi đến toàn thể nhân dân trong các thôn, xóm biết về nội dung, mục đích, yêu cầu của dự án, đồng thời cho các thôn bình xét công khai, dân chủ lựa chọn những hộ là hộ nghèo có điều kiện về lao động tham gia dự án; lập danh sách các hộ tham gia dự án; phổ biến nội dung, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ của dự án để các hộ gia đình làm đơn tham gia và viết bản cam kết thực hiện nghiêm túc phần vốn đối ứng của từng hộ khi thực hiện.
Toàn xã Hồng Thuận có 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ mua 01 con Bê cái giống sinh sản và số Bê này do chính các hộ dân tự chọn nên đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu. Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng, mua thức ăn, thuốc thú y, vật tư, công cụ phát triển chăn nuôi, đồng thời được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho Bò. Để đảm bảo yêu cầu, UBND xã đã thực hiện giám sát việc mua Bê cái giống giữa chủ trang trại chăn nuôi bò giống với từng hộ gia đình. Sau khi các hộ mua Bê, Ban quản lý dự án của xã kiểm tra nghiệm thu báo cáo kết quả về phòng LĐTBXH và Sở. Trên cơ sở đó, nghiệm thu trực tiếp từng hộ thông qua phương pháp bấm số vào tai bò từ số 01 đến số 25 của từng hộ dân.
Qua kết quả kiểm tra, đánh giá, Dự án triển khai mô hình phát triển bò tại xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy đã đạt hiệu quả, đúng quy trình, được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án tăng từ 20% - 25%/năm. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, thông qua dự án đã nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai thực hiện, bổ sung kiến thức công tác giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Trên cơ sở hiệu quả dự án, triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2018, Sở LĐTBXH đã cấp kinh phí qua phòng LĐTBXH các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên để hỗ trợ 110 hộ gia đình nghèo thuộc 05 xã thực hiện mô hình chăn nuôi Bò sinh sản.
Cũng theo ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định: Việc nhân rộng mô hình phát triển Bò ở trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được thành công nhất định, đó là: Xây dựng được mô hình giảm nghèo có hiệu quả thiết thực; Hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hướng phát triển kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm. Mặt khác, qua thực hiện mô hình đã nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân nghèo, phát triển kinh tế giảm nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện mô hình cũng gặp một số khó khăn nhất định như: Do kiến thức về chăn nuôi Bò Laisind của một số hộ gia đình còn hạn chế nên việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi còn hạn chế; Nguồn cung cấp giống bò còn thiếu và chất lượng chưa cao khi giống chủ yếu là “dân tự mua của dân”, đồng thời người dân vẫn chưa phát huy việc phối giống thụ tinh nhân tạo vì tại địa phương nhiều gia đình vẫn chăn thả bò đực nên việc phối giống để sinh ra bò Laisind còn hạn chế.
Trên cơ sở kết quả đạt được từ mô hình “Phát triển nuôi Bò” ở địa phương, theo ông Phạm Đức Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh, để mô hình đạt hiệu quả như đề ra, cần thiết phải có sự chỉ đạo cụ thể của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện dự án; Hộ gia đình tham gia dự án phải xác định phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Bên cạnh đó, cũng cần làm tốt công tác truyền thông phổ biến nội dung hoạt động của dự án đến các hộ dân để họ hiểu và tham gia tổ chức thực hiện; Minh bạch, rõ ràng quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ và từng hộ gia đình tham gia dự án để tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện. Đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng cán bộ tham gia quản lý dự án và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm kịp thời./.
Hồng Phượng
TAG: