Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội – Nhu cầu tất yếu
09:53 AM 11/08/2017
(LĐXH) - Việt Nam hiện có đến trên 30 triệu đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội gồm người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, người hưởng trợ giúp đột xuất hằng năm... ngoài ra, còn chưa kể đến người nghèo, cận nghèo, người nghiện ma túy, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố... Do vậy việc củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội là điều cần thiết và cấp bách...
Thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các  bộ, ban ngành hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình Trung tâm công tác xã hội, đã hỗ trợ cho khoảng 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, nâng tổng số lên 418 cơ sở số cán bộ, nhân viên hiện đang làm việc tại các cơ sở này có khoảng 35.000 người. Sau một thời gian hoạt động, nhiều mô hình trung tâm Công tác xã hội đã vận hành rất hiệu quả, như Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh… đã cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng, như: đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới, người nghiện ma túy, người bán dâm, người sau cai nghiện, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp...
Các cơ quan chức năng ngoài việc ban hành cơ chế, quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm công tác xã hội còn phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng mô hình chăm sóc nhận nuôi trẻ em, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Quảng Trị, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... Từng bước thiết lập mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội  theo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực với hàng chục ngàn người. Một số tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Long An, Bến Tre, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, An Giang, Khánh Hòa, Phú Yên… đã hình thành mạng lưới cộng tác viên và nhân viên công tác xã hội tổng hợp, góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, các Trung tâm CTXH đã cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng cần trợ giúp
Đặc biệt, hàng năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành cùng hỗ trợ các Trung tâm công tác xã hội xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội; cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương tại cộng đồng; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội thông qua các khóa tập huấn kỹ thuật vận hành mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tập huấn quy trình về quản lí ca/quản lý trường hợp; quy trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng; tập huấn về quy trình quản lý trường hợp người khuyết tật; tập huấn về nghiệp vụ chăm sóc, nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện mô hình sinh kế đối với nạn nhân bom mìn.
Hình thành Hiệp hội dạy nghề và nghề công tác xã hội và phát triển mạng lưới hiệp hội tại Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành quy chế hoạt động của Hội nghề công tác xã hội. Đây là một bước phát triển quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên hợp tác, liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nghề công tác xã hội. Hiệp hội này cùng với Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ em mồ côi, Hội người mù, Hội Phụ nữ, Hội Bảo trợ quyền trẻ em tổ chức các diễn đàn nghề nghiệp của cán bộ xã hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về nghề nghiệp, chuyên môn và các hoạt động khác; trợ giúp và bảo vệ quyền của người nghèo, phụ nữ, trẻ em và người yếu thế trong xã hội... Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội và hiện có khoảng 21 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề này.
Tập trung tuyên truyền Đề án 32 về Nghề Công tác xã hội bằng nhiều hình thức của các cơ quan quản lý Nhà nước như ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn phát triển; kế hoạch truyền thông… cũng như sự vào cuộc của  các cơ quan báo chí đã góp phần nâng cao nhận thức giúp nhân dân và cán bộ các cấp, các ngành hiểu biết về vai trò, nhiệm vụ và dịch vụ công tác xã hội...
Từ những định hướng, kế hoạch và các giải pháp đồng bộ trong quá trình  thực hiện đã có bước chuyển biến căn bản, nhất là bộ khung cán bộ chủ chốt thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, các hội, đoàn thể đã có những nhận thức căn bản về về nghề. Đặc biệt, trong thời gian qua, các Bộ, ngành được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 và 100% các tỉnh, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2015. Một số tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, ban hành Nghị quyết của Tỉnh ủy, Thành ủy về việc phát triển nghề công tác xã hội tại địa phương.
Mặc dù thời gian triển khai Đề án ngắn nhưng cho đến nay, hầu hết các mục tiêu cụ thể của Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2015 đã đạt được, đặc biệt là mục tiêu về xây dựng, thí điểm mô hình Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội; đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội; thành lập Hiệp hội nghề công tác xã hội. Hệ thống pháp luật, chính sách xã hội, các chương trình, đề án về chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam tạo môi trường pháp lý, hành chính, xã hội cho công tác xã hội phát triển; huy động sự tham gia của cộng đồng, các đoàn thể chính trị-xã hội, các tổ chức tôn giáo trợ giúp các đối tượng.
Các chính sách ngày càng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề... Đối tượng được trợ giúp từng bước được mở rộng đáp ứng nhu cầu thực tế. Mức trợ cấp ngày càng cao hơn, cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Các chính sách mới ngày càng mang tính hội nhập hơn, phát huy truyền thống văn hoá, nhân văn của dân tộc và mang tính xã hội hoá không ỷ lại vào nhà nước. Hệ thống tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân viên công tác xã hội làm việc trong lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng được mở rộng. Đó là những người làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp các cá nhân, gia đình tan vỡ, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chăm sóc, trợ giúp người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, giảm nghèo và trợ giúp người cao tuổi… Chương trình đào tạo bậc cử nhân công tác xã hội cũng đang được bắt đầu ở khoảng 55 trường đại học, cao đẳng, tăng mạnh so với năm 2010 khi đó mới chỉ có 1-2 cơ sở đào tạo trung cấp công tác xã hội; 21 trường đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội. Các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ phát triển nghề công tác xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2015 cũng có những tồn tại, khó khăn do khuôn khổ pháp lý phát triển nghề công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật có liên quan như: Bộ Luật lao động, Bộ Luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... Đây là các quá trình rất phức tạp, cần nhiều thời gian và liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau; sự phối hợp liên ngành còn hạn chế; chưa có cơ sở pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh. Các văn bản quy phạm pháp luật phát triển nghề công tác xã hội chưa được hệ thống hóa.
Ngoài ra, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức ngoài công lập. Mạng lưới các cơ cung cấp dịch vụ công tác xã hội mới hình thành ở Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Các dịch vụ công tác xã hội chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn hạn chế; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng, chưa dựa vào cộng đồng.
Trong khi đó, số lượng người dân, đặc biệt là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AID… và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội còn ít. Hơn nữa, cơ cấu các dịch vụ công tác xã hội có sự kết hợp của các cơ quan/đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ công tác xã hội chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng và chưa góp phần cải thiện tính hiệu quả của dịch vụ phúc lợi xã hội. Trong những giai đoạn đầu, công tác xã hội chuyên nghiệp mới chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản đáp ứng cho các vấn đề cần sự bảo trợ xã hội.
Để công tác xã hội trở thành nghề chuyên nghiệp và hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:
Một là: Rà soát các quy định của văn bản quy phạm pháp luật để xem xét sửa đổi, bổ sung ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất nhằm phát triển nghề công tác xã hội…
Hai là: Chú trọng công tác điều tra, khảo sát, rà soát hiện trạng mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; các đối tượng và dịch vụ công tác xã hội để lập kế hoạch thực hiện Đề án, lập kế hoạch đào tạo, đào tạo lại về công tác xã hội. Nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin về nghề công tác xã hội, phục vụ yêu cầu chỉ đạo, quản lý. Đánh giá đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội bảo đảm tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các chính sách, pháp luật về công tác xã hội.
Ba là: Thực hiện nghiên cứu khoa học kết hợp với tổng kết, đánh giá thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội.
Bốn là: Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, bao gồm các tổ chức đa phương, song phương và các tổ chức phi Chính phủ trên cả 3 lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính.
ThS. Trần Thị Khánh Dung
TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước