Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường
(LĐXH) Trải qua 60 năm hình thành, phát triển và 30 năm chính thức được thành lập, Khoa Kỹ thuật Môi trường - Trường Đại học Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu toàn diện và đáng tự hào, có đóng góp lớn cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Hạ tầng kỹ thuật và Bảo vệ môi trường, cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 29/9/2019, Khoa Kỹ thuật Môi trường (Trường Đại học Xây dựng) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập khoa và Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (1989 – 2019).
Theo PGS.TS Trần Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Kỹ thuật Môi trường: Đây là dịp để toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các thế hệ sinh viên của Khoa cùng nhìn lại chặng đường gian khó, vinh quang và rất đỗi tự hào mà các thế hệ đi trước đã vượt qua để xây dựng Khoa một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực Kỹ thuật cơ sở hạ tầng và môi trường.
Mặc dù Khoa Kỹ thuật Môi trường chính thức được thành lập cách đây tròn 30 năm, nhưng sự hình thành và phát triển của Khoa đã bắt đầu từ những ngày đầu thành lập trường Đại học Xây dựng (ĐHXD) và gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của Nhà trường.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao về hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường
Khoa Kỹ thuật Môi trường (KTMT) là một trong mười khoa chuyên ngành của trường Đại học Xây dựng. Các chuyên ngành cơ bản của khoa (Cấp thoát nước và Thông gió cấp nhiệt) được hình thành từ những ngày đầu thành lập trường vào năm 1966. Năm 1989, đứng trước yêu cầu đổi mới của đất nước, cần thiết phải đào tạo một lực lượng lớn kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ trong lĩnh vực môi trường, ngành Cấp thoát nước và Thông gió cấp nhiệt đã tách ra để thành lập Khoa Kỹ thuật Môi trường. Đây là khoa Kỹ thuật Môi trường đầu tiên trong hệ thống các trường đại học kỹ thuật ở Việt Nam. Khoa đã có thời kỳ sát nhập với Trung tâm Môi trường Đô thị và khu Công nghiệp, trở thành Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường (giai đoạn 2007-2013), và năm 2014 lại tách ra thành Khoa Kỹ thuật Môi trường.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, và 30 năm chính thức mang tên Khoa Kỹ thuật Môi trường, tập thể Khoa đã có sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, trở thành đơn vị mạnh của trường về đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và kỹ thuật môi trường. Hiện nay, khoa có 4 bộ môn: Cấp thoát nước, Vi khí hậu và Môi trường xây dựng, Năng lượng và Môi trường, và Công nghệ Quản lý Môi trường, với tổng số 55 cán bộ viên chức và 18 giảng viên thỉnh giảng, trong đó có: 01 NGND, 07 NGƯT, 19 Giáo sư và Phó giáo sư, 40 Tiến sỹ, Thạc sỹ.
Khoa Kỹ thuật Môi trường có 3 ngành đào tạo đại học bao gồm: Cấp thoát nước, Hệ thống Kỹ thuật trong Công trình, Công Nghệ Kỹ thuật Môi trường, với quy mô tuyển sinh 350 sinh viên hàng năm. Tính đến nay, Khoa KTMT đào tạo được khoảng 5.000 kỹ sư Cấp thoát nước - Môi trường nước, Hệ thống kỹ thuật trong công trình (trước đây là Thông gió - Cấp nhiệt; Vi khí hậu - Môi trường không khí), Công nghệ Kỹ thuật Môi trường; khoảng 400 Thạc sỹ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, trên 30 Tiến sỹ Công nghệ môi trường, Cấp thoát nước, Vi khí hậu và Môi trường không khí. Người học sau tốt nghiệp được trang bị các kiến thức chuyên ngành một cách tổng hợp và được tôi luyện liên tục qua các đồ án môn học và đặc biệt là đồ án tốt nghiệp, sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành đào tạo của Khoa Kỹ thuật Môi trường có chuyên môn vững vàng, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Nhiều cán bộ của khoa là chuyên gia hàng đầu đóng góp cho sự phát triển của ngành Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường của đất nước, như GS. TS. NGND Trần Hiếu Nhuệ, GS. TSKH NGƯT Trần Hữu Uyển, GS. TS NGƯT Trần Ngọc Chấn, GS. TS. NGƯT Nguyễn Thị Kim Thái, GS. TS. Nguyễn Việt Anh, PGS. TS Ứng QUốc Dũng, PGS. TS. NGƯT Trần Đức Hạ, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Văn Tín, PGS. TS NGƯT Bùi Sỹ Lý, PGS. TS. Lê Nguyên Minh... Khoa cũng cung cấp nhiều cán bộ nguồn xây dựng và phát triển các ngành này tại nhiều trường đại học như Đại học Thủy lợi Hà nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Tài nguyên Môi trường,..
Kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Bên cạnh công tác đào tạo, các cán bộ giảng viên của Khoa Kỹ thuật Môi trường đã rất tích cực tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các hướng nghiên cứu mũi nhọn trong lĩnh vực hạn tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường. Hiện các thầy cô đã và đang chủ trì nhiều nhiệm vụ KH&CN các cấp và dự án sản xuất thử nghiệm; Đã thực hiện nhiều dịch vụ khoa học công nghệ, triển khai tiến bộ khoa học công nghệ trong tư vấn thiết kế, khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và quản lý dự án, đánh giá hồ sơ đấu thầu, báo cáo môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường; đào tạo hướng dẫn công nghệ, vận hành hệ thống, công trình và thiết bị cấp nước, trang bị kỹ thuật bên trong công trình dân dụng và công nghiệp; thiết kế - thi công các công trình cấp nước, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn; chế tạo và lắp đặt các thiết bị, vật tư và công trình xử lý ô nhiễm, kiểm soát ô nhiễm, phân tích chất lượng môi trường …
Có số lượng đề tài NCKH các cấp, số lượng đề tài cấp trường trọng điểm nhiều nhất trong trường, số lượng các đề tài NCKH SV được hoàn thành và nghiệm thu nhiều nhất trường liên tục trong nhiều năm. Đồng thời với hoạt động NCKH và chuyên giao công nghệ trong nước, các hoạt động hợp tác quốc tế cũng rất được quan tâm và là thế mạnh của các cán bộ giảng dạy thuộc Khoa. Hàng loạt các dự án dự án hợp tác quốc tế với Anh quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Điển, World Bank, ADB, JICA, Bill & Melinda Gates Foundation, UNEP đã và đang được triển khai.
Nhiều cán bộ khoa có nhiều đóng góp lớn cho các chương trình trọng điểm của đất nước; tiêu biểu như GS. TS. Trần Hiếu Nhuệ, GS.TS Nguyễn Việt Anh, PGS.TS Trần Đức Hạ, GS. TS. Nguyễn Kim Thái … trong việc giải quyết sự cố ô nhiễm biển Formusa, quản lý chất thải và nước thải khu công nghiệp và đô thị.
Là một trong những đơn vị đứng đầu trong toàn trường trong nhiều năm liên tiếp về số lượng sản phẩm bài báo quốc tế đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín; có nhiều kết quả nghiên cứu áp dụng thành công trong thực tiễn và chuyển giao công nghệ. (Năm 2019 các cán bộ của Khoa có 12 bài báo quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI, SCI, SCIE; 06 bài báo quốc tế uy tín thuộc danh mục SCOPUS).
Các hoạt động nghiên cứu khoa học và sản phẩm KHCN tiêu biểu của khoa Kỹ thuật Môi trường bao gồm:
-Nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp xử lí nước thải, bùn cặn, rác thải có chi phí thấp và hiệu quả quả xử lý cao (BASTAFAT, AFSB, UASB, công nghệ xử lý phân bùn bể phốt, bải chôn lấp xanh), các các giải pháp xử lí nước thải tiên tiến và phù hợp với điều kiện Việt Nam (Công nghệ lọc sinh học cải tiến, công nghệ sinh học kết hợp màng lọc trong điều kiện hiếu khí hay kỵ khí MBR, AnMBR...)
-Nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao các giải công nghệ xử lý nước cấp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về cấp nước an toàn, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (Hệ thống xử lý nước cấp với công nghệ tuyển nổi áp lực; Quy trình xử lý nước mặt, nước ngầm, nước mưa, nước biển và nước lợ với màng lọc MF, UF, NF, RO; Hệ thống xử lý nước ngầm nhiễm sắt, mangan, amoni, arsen..).
-Nghiên cứu, phát triển các các mô hình quản lý nước và vệ sinh môi trường đô thị: Hệ thống nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; Mô hình mái nhà xanh; Bãi chôn lấp xanh, Mô hình thu gom nước mưa trong đô thị và khu vực nông thôn; mô hình quản lý phân bùn cho các đô thị;
-Nghiên cứu các giải pháp tối ưu cho hệ thống cơ điện trong công trình, tối ưu hóa chất lượng môi trường và năng lượng sử dụng và giảm phát thiểu cacbon trong các công trình xây dựng.
-Tham gia trực tiếp và gián tiếp vào xây dựng các qui chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng như QCVN 09-2013/BXD: Sử dụng năng lượng hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng dân dụng, QCVN 07-2010: Các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; TCVN 7957-2008, TCXDVN 33-2006, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng môi trường, nhiều văn bản pháp quy của Nhà nước, các bộ ngành; và Tham gia phản biện xã hội trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, và xây lắp các công trình kỹ thuật hạ tầng và bên trong công trình.
Hợp tác quốc tế, hợp tác với hội nghề nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ
Khoa Kỹ thuật Môi trường luôn xác định phải hoàn thành tốt sứ mạng và nhiệm vụ của mình trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Để cụ thể hóa các nhiệm vụ đó, việc hợp tác quốc tế, trong nước giữa các tổ chức nghiên cứu-đào tạo, các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp vừa là một xu thế chung của nhiều nước trên thế giới, nhằm hỗ trợ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; đây là mối hợp tác vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi để tạo điều kiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực chung; tích hợp được sự giao thoa trí tuệ giữa hai bên.
Khoa KTMT với bề dày phát triển và đào tạo hình thành nhiều mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp nước ngoài về đào tạo, NCKH trong lĩnh vực cấp thoát nước, xử lý nước thải, kỹ thuật hạ tầng và bảo vệ môi trường. Cho đến nay, Khoa KTMT đã trở thành một địa chỉ hợp tác thường xuyên của các cơ sở nghiên cứu đào tạo (ĐH Loughborough, Southampton- Anh quốc, ĐH Kitakyushu, Kumamoto, Kyoto, Tokyo-Nhật Bản; ĐH Kỹ thuật Dresden, Damstart – CHLB Đức; ĐH Quốc gia Seoul, Viện nghiên cứu KAIST-Hàn quốc; Viện Công nghệ Nước Thụy Sĩ; Viện Công nghệ châu Á, AIT-Thái Lan; ĐH Washington – Hoa Kỳ...) và tổ chức (UNDP, UN-HABITAT, WHO, UNIDO, UNEP, WB, ADB, JICA, DANIDA, SIDA, KOICA, GIZ, BC...). Một số chương trình tiêu biểu: Chương trình Liên kết với Châu Á do EU tài trợ Asia-Link: Biên soạn tài liệu giảng dạy đại học về Vệ sinh chi phí thấp và bền vững (LCST) (2004 - 2005); Nghiên cứu ứng dụng các công cụ vệ tinh viễn thám trắc địa và mô hình phục vụ quản lý tài nguyên nước ngầm đồng bằng sông Hồng, USAID, Hoa Kỳ tài trợ (2017 – 2018); Nghiên cứu hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tập đoàn Kubota để phát triển công nghệ xử lý nước thải AnMBR phù hợp điều kiện Việt Nam (2012-2015); Nghiên cứu hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển tập đoàn Mitsubishi Rayon để phát triển công nghệ MBR xử lý nước thải đô thị và công nghiệp (2013-2015); Nghiên cứu phát triển công nghệ kỵ khí tiên tiến xử lý nước thải nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, quỹ Newton, UK tài trợ (2016-2018).
Khoa KTMT luôn duy trì và tăng cường mối quan hệ đối ngoại với các cơ quan Quản lý Nhà nước, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và đào tạo: như Bộ giáo dục & Đào tạo, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, các hiệp hội nghề (Hội Môi trường Xây dựng, Hội Cấp thoát nước, Hội điện lạnh..).
Trong những năm vừa qua, việc hợp tác với Hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp được triển khai ở các nội dung sau
Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Chương trình học bổng thường niên cho sinh viên, nâng cao năng lực đào tạo và thực hành cho sinh viên, phối hợp xây dựng và thưc hiện một số chương trình đào tạo kỹ sư nâng cao, phối hợp nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm thực tế cho cán bộ
Hợp tác triển khai và các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về kỹ thuật và vận hành, khai thác, quản lý hệ thống hạ tầng cấp thoát nước và công trình xử lý môi trường, hệ thống điều hòa, chiếu sáng phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng;
Khoa cũng phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế, xây dựng mạng lưới chuyên gia và cán bộ kỹ thuật trong nước và quốc tế trong lĩnh vực hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải và các lĩnh vực liên quan.
Đặc biệt, Khoa KTMT đã đẩy mạnh hợp tác Trường đại học-Doanh nghiệp trong nước như với Công ty CP ĐT&XDTM Phú Điền, Công ty nước sạch Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương; Công ty Nhựa Tiền Phong, Công ty Daikin… để xây dựng các chương trình hỗ trợ các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ cho cán bộ giảng viên, hỗ trợ tài chính cho sinh viên giỏi/sinh viên nghèo vượt khó, và cung cấp nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục Khoa Kinh tế Môi trường nhận được Bằng khen, Cờ thi đua của Bộ Xây dựng dành cho tập thể đạt được thành tích xuất sắc. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Khoa Kỹ thuật Môi trường đã nhận được Bằng Khen của Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.
Thảo Lan
TAG: