Với xu thế chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp – xây dựng, thương mại-dịch vụ; phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động tham gia vào 6 nhóm ngành phát triển kinh tế trụ cột gồm: Năng lượng tái tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản, nông - lâm - thủy sản, du lịch, công nghiệp, giáo dục và đào tạo. Ninh Thuận xây dựng danh mục đào tạo nghề gồm 110 nghề nông nghiệp, 9 nghề phi nông nghiệp, 24 nghề thương mại dịch vụ, 14 nghề tiểu thủ công nghiệp, 35 nghề đặc thù trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh dự kiến tuyển mới GDNN cho 45.000 người; trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp nghề 6.500 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 33%. Riêng năm 2021, tuyển mới giáo dục nghề nghiệp 9.000 nguời, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,20%. Cũng trong giai đoạn này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất 03 dự án trong lĩnh vực GDNN thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong bối cảnh cả nước và địa phương gặp nhiều khó khăn. Đối với công tác GDNN, việc đào tạo, tuyển sinh cũng tạm dừng để phòng, chống dịch. Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã kết thúc và Chính phủ chưa ban hành đề án mới. Hiện nay, kinh phí cho đào tạo nghề lao động nông thôn năm 2021 chưa được UBND tỉnh phê duyệt, theo phương án trình phân bổ vốn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng nông thôn mới năm 2021. Tính đến ngày 15/10/2021, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 4.232 người, đạt 47,02% kế hoạch năm. Trong đó, dài hạn 614/1.000 chỉ tiêu, ngắn hạn 3.618/8.000 chỉ tiêu. Ước thực hiện cả năm đạt 75% kế hoạch năm.
Để công tác GDNN triển khai có hiệu quả, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội hóa đào tạo nghề, gắn kết cơ sở GDNN với doanh nghiệp, chú trọng đào tạo lực lượng lao động trẻ có chuyên môn đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung vào các hoạt động giới thiệu việc làm, khảo sát, cập nhật thông tin về thị trường lao động; điều tra nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, quy hoạch phát triển sản xuất của các địa phương để từ đó đưa ra các giải pháp đào tạo, GDNN phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế.
UBND Ninh Thuận cũng đã có kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quan tâm cấp bổ sung kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 cho các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh theo đề xuất của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; sớm có hướng dẫn cụ thể đào tạo cho lao động nông thôn giai đoạn tiếp theo để địa phương chủ động triển khai. Đồng thời, tạo điều kiện hướng dẫn để Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận trở thành trường Cao đẳng nghề chất lượng cao cũng như Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận nâng cấp thành Trường cao đẳng y tế Ninh Thuận góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.
Trần Huyền