Ninh Bình: Tập trung thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo
(LĐXH) Năm 2020, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, tỉnh Ninh Bình đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,0%.
Triển khai công tác giảm nghèo, Sở Lao động - TBXH tiếp tục tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các huyện/thành phố, căn cứ quy định của HĐND tỉnh về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2020 tổng số tiền 29.326 triệu đồng (nguồn vốn Trung ương 26.326 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng của tỉnh 3,0 tỷ đồng) thực hiện hỗ trợ xây dựng hơn 20 công trình dân sinh tại 5 xã đặc biệt khó khăn huyện Kim Sơn, 5 xã đặc biệt khó khăn huyện Nho Quan; thực hiện 48 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 1.000 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo.
Cùng với đó, Sở Lao động - TBXH chỉ đạo đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra giám sát các địa phương, sở, ngành thực hiện các Dự án thuộc Chương trình; Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính thành lập Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra rà soát lại hộ nghèo, người có công có khó khăn về nhà ở. Kết quả toàn tỉnh Ninh Bình còn 921 hộ có khó khăn về nhà ở, trong đó: Hộ người có công với cách mạng: 572 hộ (xây mới 246, sửa chữa 326); Hộ nghèo: 349 hộ (xây mới 232, sửa chữa 117). Sở Lao động - TBXH đã tham mưu đề xuất với UBND tỉnh mức hỗ trợ về nhà ở là 40 triệu đồng/hộ đối với xây dựng mới; 20 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa/nâng cấp, áp dụng cho cả hộ chính sách người có công với cách mạng và hộ nghèo; tham mưu giao Sở Xây dựng chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng và hộ nghèo, trình HĐND tỉnh ban hành để thực hiện.
Ngoài ra, Sở đã tham mưu tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; Tổ chức 06 hội nghị đối thoại chính sách giảm nghèo cho 1.200 đại diện hộ nghèo, cận nghèo tại 06 huyện; 18 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho hơn 4.500 lượt cán bộ cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, người có uy tín cộng đồng và người dân về công tác giảm nghèo, nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo. Sở Lao động - TBXH tổ chức thẩm định và xác nhận các tiêu chí thuộc ngành phụ trách đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới cho 7 xã: Yên Hưng, Yên Đồng (Yên Mô); Cồn Thoi, Xuân Chính (Kim Sơn); Thanh Lạc, Cúc Phương, Phú Sơn (Nho Quan); về đích nông thôn mới kiểu mẫu cho 5 xã: Quang Sơn (Tam Điệp), Khánh Thành (Yên Khánh), Yên Hòa (Yên Mô), Ninh Giang (Hoa Lư), Đồng Phong (Nho Quan). Thẩm định tiêu chí huyện nông thôn mới đối với huyện Yên Mô; Đề nghị Bộ Lao động - TBXH gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số, người dân vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh cho đến khi có quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ công nhận danh mục các địa bàn thuộc khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Trong năm 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh Ninh Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai hỗ trợ. Để đảm bảo việc hỗ trợ được kịp thời theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh, đội ngũ cán bộ ngành Lao động - TBXH từ tỉnh tới cơ sở đã nỗ lực không có ngày nghỉ hoàn thành trong 7 ngày để trình UBND tỉnh. Từ ngày 07 đến 11/5/2020, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 100.209 người có công, đối tượng BTXH, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo của 8/8 huyện, TP và 02 Trung tâm được hỗ trợ khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương đã chỉ đạo UBND cấp xã chi trả ngay từ ngày mà UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt. Tổng hợp, cập nhật đến hết tháng 8/2020, các địa phương đã hoàn thành chi trả cho 99.720 người (bằng 99,7% so với số người theo Quyết định phê duyệt), với tổng kinh phí trên 118 tỷ đồng.
UBND các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ chi trả và giám sát công tác chi trả gồm các thành phần: cán bộ Lao động - TBXH hoặc bưu điện thực hiện chi trả, Mặt trận Tổ quốc, công an, các đoàn thể chính trị xã hội thực hiện giám sát để đảm bảo việc chi trả đúng người, đúng quy định; đồng thời kịp thời phát hiện những trường hợp trùng đối tượng, đã chuyển khẩu đi, chết trước thời điểm có Quyết định phê duyệt hoặc không đủ điều kiện...
Cùng với chính sách của Nhà nước, tỉnh Ninh Bình cũng trích ngân sách địa phương trên 3,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ tiền nước sạch sinh hoạt trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 cho 7.820 hộ nghèo, 12.430 hộ cận nghèo với mức hỗ trợ 175.000 đồng/hộ.
Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa chính trị quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trong thời gian tới, Sở Lao động - TBXH tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tham mưu giúp UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về giảm nghèo bền vững tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025; Tham giúp UBND tỉnh ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết, quyết định, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về giảm nghèo trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; Ban hành Kế hoạch và tổ chức tập huấn, đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra giám sát các địa phương thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2021 sau khi có hướng dẫn của Trung ương. Phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; Hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác tuyền truyền về chủ trương chính sách giảm nghèo bằng nhiều hình thức; Tiếp tục thẩm định và xác nhận các tiêu chí thuộc ngành phụ trách đối với các xã về đích nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021./.
Hồng Phượng
TAG: