Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ninh Bình nâng cao hiệu quả công tác xác định thông tin hài cốt liệt sỹ
04:49 PM 01/12/2018
(LĐXH)- Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Những năm qua, xác định rõ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu trong thực hiện chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tỉnh Ninh Bình đã huy động mọi lực lượng để thực hiện có hiệu quả Đề án “Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ” và Đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”.
Toàn tỉnh hiện có 47 nghĩa trang liệt sĩ với gần 8 nghìn mộ liệt sĩ, trong đó có trên 3.800 mộ đã có đầy đủ thông tin về liệt sĩ, 286 mộ có thông tin nhưng chưa đầy đủ, trên 3.300 mộ chưa có thông tin về liệt sĩ và 477 mộ chưa có hài cốt liệt sĩ.
Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và nhân dân huyện Gia Viễn (Ninh Bình)
tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ về với đất mẹ
Đại tá Nguyễn Công Hoan, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Liệt sĩ hi sinh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trong thời kỳ chống Pháp, những năm sau giải phóng, các địa phương đã tổ chức nhiều đợt quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang liệt sĩ. Tuy nhiên, có nhiều hài cốt liệt sĩ không có thông tin hoặc có nhưng không đầy đủ gây khó khăn cho việc rà soát, đối chiếu danh sách, kết luận địa bàn. Mặc dù liệt sĩ còn thiếu thông tin còn nhiều, song việc xác định thông tin gặp nhiều hạn chế bởi nhiều hài cốt đã bị phân hủy ở mức độ rất cao nên khó khăn trong quá trình phân tích ADN cũng như việc tìm kiếm hài cốt. Đối tượng để lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để đối chứng thì tuổi đã cao, sức yếu, không ít trường hợp đã qua đời. Trong khi đó, nhiều nhân chứng là đồng đội của liệt sĩ có thể cung cấp thông tin về danh tính hài cốt iệt sĩ nay cũng già yếu, trí nhớ giảm sút hoặc đã mất… Những khó khăn này đặt ra cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin hài cốt liệt sĩ cần được triển khai thực hiện cẩn thận, khoa học, chính xác, nhưng cũng hết sức khẩn trương, chạy đua với thời gian.
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã rà soát thông tin 712 liệt sỹ là cán bộ, chiến sỹ LLVT địa phương và cán bộ dân chính đảng, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến. Trong đó, có 18 liệt sỹ hi sinh trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố khác chưa có thông tin về phần mộ. Đồng thời, xác minh, bổ sung thông tin gần 2.000 liệt sỹ quê Ninh Bình theo đề nghị của các đơn vị quân đội. Năm 2016, trên cơ sở tin báo của nhân dân, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch tìm kiếm, quy tập được 1 hài cốt liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Năm 2017, Ban Chỉ đạo 1237 tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức cất bốc, di chuyển, bàn giao 25 hài cốt liệt sỹ cho Sở Lao động - TBXH 14 tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước bảo đảm trang trọng, chu đáo, an toàn. Cũng trong năm 2017, 2018, Bộ CHQS tỉnh, Sở Lao động - TBXH và các địa phương đón nhận, tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ Lê Văn Kiệm ở huyện Gia Viễn và liệt sỹ Trần Đình Quảng ở thành phố Ninh Bình về an táng tại địa phương đảm bảo trang trọng, chu đáo.
Đối với việc thực hiện Đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin”, Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với Bộ CHQS và Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh chỉ đạo hướng dẫn các địa phương, thân nhân liệt sỹ tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Trong năm 2017 - 2018, đã tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho 35 thân nhân lấy mẫu giám định ADN. Tính đến ngày 30/9/2018, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận trên 8 nghìn thông tin do các tổ chức, cá nhân gửi đến, qua đó từng bước rà soát để xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, bổ sung vào danh sách quản lý, đồng thời thông tin đến gia đình liệt sĩ. Hiện nay, các huyện, thành phố cũng đang tiến hành kiểm đếm mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang và phát phiếu thu thập thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, rà soát thông tin, kết luận địa bàn, lập sơ đồ, bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cấp thôn, xóm và xã…
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là một việc làm rất cần thiết, vừa thực hiện chính sách hậu phương quân đội, vừa thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song trên thực tế số liệt sỹ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, chủ yếu trong thời kỳ chống Pháp. Vì vậy, Ban chỉ đạo cũng đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu, giải pháp cụ thể để phấn đấu đến hết quý 1/2019, toàn tỉnh hoàn thành thành lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở cấp xã, cấp huyện, đồng thời xác định khu vực có hài cốt liệt sĩ, xây dựng kế hoạch, thành lập lực lượng lâm thời, tổ chức tìm kiếm, quy tập. Phấn đấu hết năm 2020, cơ bản số hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn được tìm kiếm, quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hồ sơ liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

P.V

TAG:
Tin khác
Huyện Xín Mần: Nỗ lực cải thiện nhà ở cho hộ nghèo
TPHCM: Hơn 120 đại biểu dự tập huấn công tác tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội