Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Những hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của các cấp hội phụ nữ tỉnh Bắc Giang
03:50 PM 11/12/2019
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bắc Giang đã luôn quan tâm tới công tác “Đền ơn đáp nghĩa” thông qua những hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Những việc làm thiết thực
Ngừng tay gập giấy, anh Nguyễn Xuân Toan, thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng) phấn khởi cho biết: "Vợ chồng tôi có được nghề này do Chi hội Phụ nữ thôn giới thiệu. Công việc nhàn, làm tại nhà, thu nhập ổn định". Qua câu chuyện được biết, bố anh là ông Nguyễn Xuân Trạch tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường và bị ảnh hưởng chất độc da cam. Di chứng của loại chất độc này ảnh hưởng đến anh và em gái. Vì vậy dù đã 40 tuổi nhưng anh chỉ cao hơn 1m, hai chân nhỏ và yếu, không làm được việc nặng. Tuy đã lấy vợ, ra ở riêng và chịu khó lao động nhưng cuộc sống luôn gặp khó khăn, thiếu thốn. Chi hội Phụ nữ thôn đã đứng ra giới thiệu việc làm cho anh. Thời kỳ đầu, hai vợ chồng anh được nhận vào làm việc tại cơ sở sản xuất gốm Làng Ngòi. Tuy nhiên, do làm ở đó xa nhà, đi lại bất tiện, nhiều hôm mưa phải nghỉ việc nên sau một thời gian, Chi hội phụ nữ liên hệ với một doanh nghiệp để gia đình anh nhận làm gia công sản phẩm vàng mã tại nhà. Công việc nhẹ nhàng lại ổn định. Lúc đầu chỉ hai vợ chồng anh làm, sau việc nhiều, cả bố mẹ anh cũng tham gia. "Tôi rất cám ơn Chi hội phụ nữ thôn Tân Ninh. Nhờ các chị mà gia đình tôi có công việc, thu nhập ổn định, cuộc sống vì thế được cải thiện", ông Nguyễn Xuân Trạch nói.

Chi hội phụ nữ thôn 7, xã Tăng Tiến ( huyện Việt Yên) thăm hỏi thân nhân liệt sĩ.
Khác với bố con ông Trạch, bà Phạm Thị Nông ở thôn Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng), nạn nhân chất độc da cam lại gặp khó khăn về nhà ở. Căn nhà của hai mẹ con được xây cách đây vài chục năm đã xuống cấp, mỗi khi mưa xuống dột khắp nhà. Trước gia cảnh của bà, các cấp Hội phụ nữ huyện quyên góp được 20 triệu đồng và nhiều ngày công ủng hộ gia đình cải tạo nhà mới. Nhờ vậy, đến nay gia đình bà Nông được sống trong ngôi nhà mới. 
Những việc làm thiết thực còn được thể hiện qua việc chăm sóc, phụng dưỡng người có công, mẹ Việt Nam Anh hùng. Tại thôn 7, xã Tăng Tiến (Việt Yên), đã nhiều năm, Chi hội phụ nữ thôn nhận chăm sóc bà Thân Thị Khuyên, năm nay 94 tuổi, vợ liệt sĩ Thân Thế Thỉnh. Chị Nguyễn Thị Thành, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 7 cho biết: "Chúng tôi thường xuyên đến thăm cụ. Ngoài nắm bắt tình hình sức khỏe, nguyện vọng, hội viên còn thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt cho cụ. Nhân dịp lễ, Tết, Chi hội có quà biếu, khi gói bánh, hộp sữa, lúc tấm vải may quần áo.... giúp cụ sống vui, sống khỏe hơn". 
Để phong trào phát triển sâu rộng
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Liên, để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng, hiệu quả, hằng năm, bên cạnh triển khai kịp thời các văn bản của cấp trên, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo hội cơ sở thường xuyên nắm chắc hoàn cảnh gia đình chính sách, từ đó tham mưu biện pháp giúp đỡ hiệu quả, nhất là những đối tượng khó khăn.  
Thực tế cho thấy, mỗi chi hội cơ sở đều có việc làm thiết thực chăm sóc người có công và thân nhân. Ví như với gia đình thiếu lao động, chi hội cử hội viên đến phụ giúp; gia đình khó khăn về nhà ở, chi hội vận động kinh phí để cải tạo, sửa chữa, làm mới. Còn gia đình thiếu vốn sản xuất, các cấp hội đứng ra tín chấp vay vốn giúp phát triển kinh tế... Chỉ tính 5 năm qua, các cấp hội phối hợp với ngành chức năng chăm sóc 16 Mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu, chăm sóc hơn 6 nghìn thân nhân người có công với cách mạng là bố, mẹ, vợ, con liệt sĩ. 
Nhân dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ hằng năm, các cấp hội tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 28 nghìn suất quà (tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng) cùng hàng nghìn công lao động giúp gia đình chính sách. Từ sự hỗ trợ của các cấp hội đã góp phần hình thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như: "Nuôi gà đồi thu nhập cao" ở Yên Thế; "trồng vải thiều sớm" ở Tân Yên; "nuôi cá thâm canh" ở Việt Yên; "trồng bưởi Diễn", "nuôi cá, trồng cần" ở Hiệp Hòa; "trồng cam đường canh" ở Lục Ngạn; "trồng rừng kinh tế" ở Lục Nam... 
Ngoài ra, các cấp hội vận động hội viên tích cực tham gia xây dựng quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", tặng sổ tình nghĩa, ủng hộ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà tình nghĩa trị giá nhiều tỷ đồng cho các gia đình chính sách. Tổ chức gần 1.600 buổi lao động tu sửa, vệ sinh Đài tưởng niệm, Nghĩa trang liệt sĩ địa phương, thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên tham gia. Những hoạt động trên đã thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ bạn trẻ.
Trong 5 năm qua, các cấp hội phối hợp với ngành chức năng chăm sóc 16 mẹ Việt Nam Anh hùng; đỡ đầu, chăm sóc hơn 6.000 thân nhân người có công với cách mạng là bố, mẹ, vợ, con liệt sĩ. Nhân dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27-7 hằng năm, các cấp hội tổ chức thăm hỏi, tặng hơn 28 nghìn suất quà (tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng) cùng hàng nghìn công lao động giúp gia đình chính sách./.

Thanh Hải
TAG:
Tin khác
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững