Số lao động nông thôn được đào tạo có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên đạt trên 76,94%. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho 2.829 lượt cán bộ công chức xã/phường.
Ông Trần Phú Hùng – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiệu quả sau 7 năm triển khai thực hiện Quyết định 1956, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk đã có 100% huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện và do đồng chí Phó Chủ tịch huyện, thành phố làm Trưởng Ban và 100% xã/phường thành lập Tổ chỉ đạo 1956, các tổ đều có quy chế hoạt động. Theo đó, ngay từ khi triển khai đề án, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các ngành đã chỉ đạo các địa phương, các tổ chức đoàn thể để tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, các nghề mà người lao động muốn học và tổ chức lập kế hoạch mở lớp để đào tạo; tuyên truyền, phổ biến các chính sách về hỗ trợ ưu đãi học nghề, việc làm cho người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk, Tạp chí Lao động và Xã hội, truyền thanh huyện, xã, in tờ rơi, thông tin trong các buổi họp tổ nhân dân tự quản…
Kết quả sau 7 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, đến nay hầu hết lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các huyện, thành phố, các xã/phường, thị trấn và nhân dân trên địa bàn đã nắm bắt được nội dung, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn, từ đó giúp lao động nông thôn thấy được sự cần thiết đối với việc học nghề và tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả.
Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đế án 1956, Đắk Lắk đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả, như: Triển khai thí điểm một số mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trồng và khai thác nấm, chăn nuôi heo, chăn nuôi gà, trồng và chăm sóc cây tiêu, trồng và chăm sóc cây cao su, xây dựng dân dụng, mây tre đan kỹ nghệ, trồng dưa lưới. Điển hình là mô hình trồng và khai thác nấm ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Ana, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Krông Păk và trồng và chăm sóc cây tiêu ở Trung tâm GDNN - GDTX huyện Cư M’gar, mô hình triển khai đơn giản dễ áp dụng cho các đối tượng tham gia học nghề, kinh phí đầu tư không lớn, dễ chăm sóc, quản lý tại hộ gia đình.
Mô hình trồng và khai thác nấm số lượng người được học 200 người tỷ lệ có việc làm trên 95%, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng nấm bình quân 4-5 triệu đồng/tháng. Mô hình trồng và chăm sóc cây tiêu số lượng người được học 95 người, tỷ lệ có việc làm trên 90%, mức thu nhập bình quân của người nông dân trồng tiêu bình quân 9 - 10 triệu đồng/tháng. Các mô hình trên đã góp phần cho lao động nông thôn định hướng được nghề nghiệp của họ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn và được nhân rộng áp dụng rộng rãi cho các huyện trên địa bàn tỉnh, cũng như các tỉnh thành đến học hỏi kinh nghiệm để triển khai như tỉnh: Gia Lai, Kon Tum và Vĩnh Long…
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự lồng ghép tốt với các chương trình khác, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông…Công tác đào tạo nghề được triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo theo tinh thần của Đề án 1956 và các văn bản hướng dẫn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hướng tới đào tạo theo nhu cầu của người học gắn với việc làm. Đồng thời, có những tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức đối với chính quyền các cấp và nhận thức của người dân về đào tạo nghề và học nghề; từ việc sản xuất theo thói quen, truyền thống, nay nhiều lao động nông thôn đã nhận thức được, để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, cần phải có tay nghề vững, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Lao động sau khi học nghề đã vận dụng các kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất, một số lao động đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập.
Dạy nghề trồng nấm rơm tại tỉnh Đắk Lắk có hiệu quả kinh tế cao được nhiều địa phương đến học tập kinh nghiệm
Ngoài ra, các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: chủ động phối hợp với địa phương, Trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, các hợp tác xã để giới thiệu việc làm cho học viên sau khi học nghề. Huy động được các cơ sở GDNN, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm báo cáo, tổng dư nợ cho vay vốn giải quyết việc làm cũng đạt 104.614,07 triệu đồng, số hộ vay vốn 4.624 hộ, các đối tượng như: hội viên hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, mỗi tổ chức đoàn thể đều được xem xét đề nghị cho hội viên được vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm có hiệu quả.
Cùng với đó, về phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý GDNN, trong 7 năm qua số giáo viên, nghệ nhân, người có tay nghề giỏi tham gia đào tạo nghề được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đào tạo nghề là 142 người. Chất lượng giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong những năm vừa qua nhìn chung đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Các giáo viên, người đào tạo nghề phần lớn đều có trình độ chuyên môn, có tay nghề cao đối với nghề tham gia giảng dạy (trình độ của giáo viên và người đào tạo nghề chủ yếu là đại học, một số có trình độ trung cấp, cao đẳng, thạc sĩ), tất cả người tham gia đào tạo nghề đều có nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng đào tạo nghề, có kinh nghiệm trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Hiện nay các huyện, thị xã, thành phố đã bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi về lĩnh vực GDNN thuộc phòng Lao động – Thương binh và xã hội là 15/15 đơn vị. Giai đoạn 2010 – 2017 có 1.835 lượt cán bộ quản lý đào tạo nghề, cán bộ theo dõi công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn các cấp được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý và tư vấn chọn nghề, tìm việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh cũng đã thành lập 12 đoàn cấp tỉnh, 45 đoàn cấp huyện, 90 đoàn cấp xã kiểm tra giám sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại 457 lớp. Qua kiểm tra, giám sát nhìn chung các đơn vị đào tạo nghề cơ bản thực hiện theo đúng quy định của Quyết định số 1956/QĐ-TTg và các văn bản hướng dẫn của trung ương, địa phương. Đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót tại các đơn vị trong quá trình thực hiện đào tạo nghề, như: công tác tuyển sinh lao động nông thôn học nghề ở một số đơn vị chưa gắn với việc làm sau học nghề; hồ sơ quản lý dạy và học của một số đơn vị thực hiện chưa đảm bảo theo quy định trong đào tạo nghề trình độ sơ cấp…
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại hạn chế, như: Lãnh đạo chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương; chưa quan tâm đúng mức đến công tác chỉ đạo điều hành đào tạo nghề.
Về chỉ tiêu của Đề án chưa đạt được là do kinh phí thực hiện đào tạo nghề phân bổ hàng năm rất ít so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, hàng năm việc phân bổ nguồn vốn muộn dẫn đến các cơ sở mở lớp không phù hợp với mùa vụ sản xuất. Nguồn vốn để hỗ trợ chi phí cho lao động nông thôn học nghề chủ yếu thực hiện được là do ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh còn hạn chế. Một số cơ sở GDNN thiếu chủ động sáng tạo trong việc tìm các giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, có tâm lý trông chờ vào chính quyền địa phương các cấp.
Một số cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo chưa sát với thực tế sản xuất, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương nên không thu hút được người học. Bản thân người lao động, đặc biệt là người lao động dân tộc thiểu số tại chỗ chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của việc học nghề, chưa mạnh dạn tham gia hay động viên con em tham gia học nghề. Khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt kỹ năng nghề của một số lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh số doanh nghiệp khá ít, trong khi nhu cầu lao động của các doanh nghiệp không nhiều, nhiều người lao động có tâm lý không muốn xa gia đình để đi làm ở nơi khác. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên đào tạo nghề ở một số cơ sở GDNN còn yếu, thụ động; chưa thu hút được các nghệ nhân, chuyên gia giỏi tham gia đào tạo nghề.
Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và phát huy những thành quả đã đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn 2018 – 2020, cụ thể như: Giai đoạn 2018 - 2020, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn 26.600 người. Trong đó, nghề nông nghiệp cho 6.660 người, phi nông nghiệp 19.940 người; Số nghề đào tạo là 94 nghề, trong đó nghề nông nghiệp 40 nghề, nghề phi nông nông nghiệp 54 nghề. Sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Tổ chức biên soạn, phê duyệt bổ sung trên 100 bộ chương trình, giáo trình đảm bảo theo quy trình, quy định. Tổ chức 30 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã cho 3.000 lượt học viên. dự kiến tổng kinh phí cho các hoạt động của Đề án là 81.490 triệu đồng, trong đó từ ngân sách trung ương là 68.190 triệu đồng, ngân sách địa phương là 11.800 triệu đồng, nguồn khác là 1.500 triệu đồng.
Hoàng Cảnh