Chính thức bỏ thu phí đường bộ với xe mô tô
Chính phủ vừa quyết định bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô
hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự (xe mô
tô) từ ngày 5/6/2016.
Theo đó, tại Nghị định 28/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định
số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/5/2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày
13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ nêu rõ, xe mô tô không
phải nộp phí sử dụng đường bộ.
Chính thức bỏ thu phí đường bộ với xe mô tô
Phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm
trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chỉ bao gồm: xe ô tô,
máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại
xe tương tự (xe ô tô).
Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng
đường bộ, quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo
tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối
tượng nộp phí.
Áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội mới với quân nhân, công an
Theo Nghị định 33/2016/NĐ-CP của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo
hiễm xã hội về bảo hiểm xã hội băt buộc đối với quân nhân, công an nhân
dân và người làm công tác cơ yếu có hiệu lực từ 26/6 tới, cách tính
lương hưu của quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu
sẽ được điều chỉnh theo Luật Bảo hiểm xã hội mới, với lộ trình thực hiện
nguyên tắc bình đẳng với các đối tượng lao động tham gia bảo hiểm xã
hội khác.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng tháng của
người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng
bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ
thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa
bằng 75%.
Từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hằng
tháng của người lao động đủ điều kiện quy được tính bằng 45% mức bình
quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tương ứng với số năm
đóng bảo hiểm xã hội được tính theo lộ trình: Lao động nam nghỉ hưu vào
năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là
19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm; lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018
trở đi là 15 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm
2%, mức tối đa bằng 75%.
Phạt nặng 100 triệu đồng đối với việc sử dụng thuốc cấm
Theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành
chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có
hiệu lực thi hành từ ngày 25/6, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực
giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật đối với cá nhân là 50
triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng. Hành vi sử dụng thuốc cấm
đối với cây trồng sẽ bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng (mức phạt cũ
chỉ từ 1 đến 3 triệu đồng).
Cũng theo Nghị định này, việc sử dụng
thuốc bảo vệ thực vật không đúng hướng dẫn sử dụng; sau khi sử dụng
không thu gom cũng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng
đến 500 nghìn đồng. Đồng thời, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi
trường đã gây ra.
Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi sản xuất
thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại
Việt Nam, tùy theo khối lượng thuốc vi phạm; ngoài ra còn áp dụng hình
phạt bổ sung đình chỉ hoạt động sản xuất, tịch thu tiêu hủy…
Khen thưởng về phòng, chống tham nhũng
Ngày 6/5/2016, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư
liên tịch 70/2016/TTLT-BTC-TTCP quy định việc lập, quản lý và sử dụng
Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng. Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 24/6/2016.
Theo đó, Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính
phủ quản lý, sử dụng để chi khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham
nhũng. Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng phải được sử dụng theo
quy định của pháp luật, đúng mục đích, công khai, minh bạch, kịp thời.
Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nào ban hành quyết định khen thưởng thì phải
chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Nguồn kinh phí của Quỹ gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ khen
thưởng về phòng, chống tham nhũng do ngân sách Trung ương bảo đảm và
được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Thanh tra Chính phủ.
Quy định chức năng thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định
việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng Bảo hiểm xã hội,
bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Theo Nghị định này, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế gồm: Bảo
hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.
Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính
phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất
nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phê duyệt và
tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; gửi kế hoạch thanh tra để báo
cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu
hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,
bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2016.