Nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn Thủ đô
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội hiện còn 2.134 hộ nghèo (chiếm 0,095%), 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0.99%), có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo. Việc hỗ trợ an cư và trao sinh kế giúp thoát nghèo bền vững cho người nghèo tiếp tục là những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội trong công tác giảm nghèo trên địa bàn...
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực, trao cho người nghèo, cận nghèo trên địa bàn những chiếc “cần câu” như cho vay vốn ưu đãi, sử dụng Quỹ Vì người nghèo... từ đó tạo sinh kế bền vững. Việc làm ý nghĩa này đã và đang giúp nhiều gia đình trên địa bàn Thủ đô bước ra khỏi cuộc sống nghèo, cận nghèo, tiếp sức cho họ vươn lên trong cuộc sống.
Thay đổi diện mạo từ “vùng đất khó”
Nằm xa trung tâm thành phố cùng với nhiều xã là vùng núi, đồi gò, Ba Vì là huyện có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn của Thủ đô Hà Nội. Những năm qua, huyện Ba Vì đã có nhiều cố gắng trong phát triển kinh tế và công tác giảm nghèo. Nhờ việc tìm ra hướng đi đúng, huyện Ba Vì đã khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển.
Toàn huyện hiện có 7 xã miền núi (Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, Ba Trại), với trên 29 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số (Mường, Dao). Với đặc thù có địa phương làm nghề thuốc Nam truyền thống của người Dao, những năm qua, xã Ba Vì, huyện Ba Vì đã phối hợp với Hội Đông y của huyện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chế biến thuốc Nam và vận động bà con tham gia bồi dưỡng, học nghề. Đến nay, cơ bản các hộ dân trong xã đều sản xuất và trồng cây thuốc Nam. Cả 3 thôn của xã được Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề thuốc Nam truyền thống. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong xã đạt 64,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm còn 0,86%…
Bên cạnh đó, huyện còn tăng cường vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ việc triển khai kiên trì, bài bản, đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Ba Vì đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các mô hình du lịch cộng đồng như: Trồng mai trắng, chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, đà điểu (các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa); trồng đao đót làm miến dong (xã Minh Quang); nuôi ong (xã Khánh Thượng); làng nghề sản xuất, chế biến chè búp khô (xã Ba Trại)….
Người dân tộc vùng núi Ba Vì sơ chế các loại cây thuốc nam thành các bài thuốc,
cung cấp dược liệu đi các nơi.
Những kết quả trên đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của huyện Ba Vì. Nếu như năm 2011, 7 xã miền núi thuộc Ba Vì có 2.693 hộ nghèo (chiếm 13,15%) thì đến nay giảm xuống còn 177 hộ (chiếm 0,69%); thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 60 triệu đồng/người/năm. Tất cả 7 xã miền núi của huyện cũng đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Linh hoạt các hình thức hỗ trợ
Việc vay vốn tín dụng chính sách hay sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” để tạo sinh kế bền vững đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác là những chính sách đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa to lớn góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có việc làm ổn định, từng bước thoát nghèo, cải thiện nhà ở...
Tại huyện Gia Lâm, nhờ nguồn vốn ủy thác từ ngân hàng chính sách xã hội huyện mà nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả. Điển hình trong đó là hộ gia đình anh Đàm Thanh Tùng, ở thôn Trung Quang, xã Văn Đức, được Huyện đoàn Gia Lâm giới thiệu, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Huyện Gia Lâm đã cho anh và gia đình vay 40 triệu đồng để đầu tư trồng hoa, cây cảnh, cây công trình. Mặc dù gặp không ít khó khăn về kỹ thuật, nhưng với đức tính cần cù, ham học hỏi nên anh đã có những thành công nhất định với mô hình này. Tiếp đến năm 2021, anh Tùng tiếp tục đề nghị vay thêm vốn từ chương trình giải quyết việc làm với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng, thuê thêm ruộng của bà con xung quanh để phát triển và mở rộng mô hình, đến nay, trang trại trồng hoa, cây cảnh của anh Tùng đã lên đến hàng chục ngàn cây, giúp anh và gia đình có thu nhập ổn định và vươn lên phát triển kinh tế.
Hay như trường hợp chị Đặng Thị Dục ở thôn Hàn Lạc, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm. Là gia đình thuộc hoàn cảnh khó khăn của xã Phú Thị, năm 2019, chị được địa phương cho vay vốn ưu đãi với số tiền 100 triệu đồng để mở cửa hàng bán đồ ăn uống. Nhờ nguồn thu nhập ổn định, đến nay, chị đã trả được 50% số vốn, cuộc sống khá hơn trước và được UBND huyện Gia Lâm tặng Giấy khen Hộ thoát nghèo tiêu biểu năm 2022.
Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, mỗi Hội Liên hiệp phụ nữ cấp xã, thị trấn thuộc huyện Gia Lâm cũng đã giúp đỡ ít nhất 5 hộ cận nghèo và khó khăn nâng cao mức sống; mở các lớp dạy nghề ngắn hạn và giới thiệu việc làm cho hàng trăm lao động là con em cán bộ, hội viên; tổ chức trao tặng phương tiện, công cụ sản xuất cho một số hội viên phụ nữ thuộc hộ cận nghèo trị giá 78 triệu đồng…
Có thể nói, các chương trình tín dụng chính sách ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Cùng với truyền thông nâng cao nhận thức tới các cấp, ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn thành phố về công tác giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ truyền thông hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo. Trong đó, đặc biệt lưu ý truyền thông, thông tin về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững theo kế hoạch số 269/KH-UBND mà thành phố Hà Nội đã đề ra.
Thục Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: