An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Hòa Bình
02:05 PM 17/10/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác giảm nghèo ở Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong các năm 2021 - 2023, các chính sách giảm nghèo thường xuyên được duy trì đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong tỉnh. Theo thống kê từ năm 2021 đến nay, các đơn vị dạy nghề đã mở 77 lớp nghề cho trên 2.300 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức Ngày hội việc làm quy mô cấp tỉnh thu hút 40 doanh nghiệp, hơn 1.000 lao động tham gia và nhiều phiên giao dịch việc làm, lớp tư vấn chuyên đề cho người lao động là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hỗ trợ trực tiếp cho khoảng 100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và một số người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động, thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 66 dự án, trong đó 31 dự án đã thực hiện, 35 dự án đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để triển khai. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng huyện Đà Bắc được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo. Việc hỗ trợ được thực hiện trong năm 2023 với 860 hộ, trong đó 494 hộ xây mới, 366 hộ sửa chữa nhà ở.

Trồng cam Cao Phong là một trong những giải pháp giảm nghèo hiệu quả ở Hòa Bình.

Về chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, tỉnh đã tổ chức mua, cấp phát hơn 937.000 thẻ  BHYT miễn phí cho trên 33.500 lượt người nghèo, 24.865 lượt người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT với tổng kinh phí hỗ trợ trên 600 tỷ đồng. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo được triển khai ở tất cả các cơ sở y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh được quan tâm đầu tư, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), vùng sâu, vùng xa, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. 
Thông qua quỹ Vì người nghèo, tỉnh đã vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 875 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí huy động 32,4 tỷ đồng. Việc hỗ trợ chi phí học tập, miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở thôn, xã ĐBKK, hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non, ưu tiên đối với học sinh mẫu giáo, học sinh dân tộc ít người, trao học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, học bổng và phương tiện cho học sinh khuyết tật... được thực hiện tốt với tổng kinh phí khoảng 488 tỷ đồng. Từ chính sách hỗ trợ tiền điện, hộ nghèo, hộ chính sách xã hội toàn tỉnh được hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng. 
Chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong 2 năm (2021-2022), Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hòa Bình đã cho trên 67.500 lượt khách hàng vay vốn với doanh số cho vay khoảng 2.666 tỷ đồng. Trong 8 tháng năm 2023, có gần 19.200 lượt khách hàng được vay vốn của NHCSXH  để phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm với doanh số cho vay gần 745 tỷ đồng, trong đó có 3.296 lượt hộ nghèo, 2.515 lượt hộ cận nghèo, 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự phối kết hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, địa phương và sự nỗ lực đồng lòng của nhân dân trong tỉnh, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2022 của tỉnh Hòa Bình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm còn 12,29% (giảm 3,2% so với năm 2021, đạt 128% kế hoạch tỉnh giao) và cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Những kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển chung của tỉnh. Các chính sách giảm nghèo đã góp phần rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sản xuất và dân sinh, cải thiện đời sống của  người nghèo./.

Hải Uyên

TAG:
Tin khác
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025