Nhiều kết quả tích cực trong trợ giúp nạn nhân bom mìn sau chiến tranh
(LĐXH) – Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, tích cực rà phá bom mìn, tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng.
Ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) cho biết: Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quy định khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom mìn, đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, hỗ trợ sinh kế, vay vốn, học nghề, tìm kiếm việc làm, học văn hóa, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, cụ thể như: Bộ luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Quyết định số 1019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.
Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật (NKT), nạn nhân bom mìn là trẻ em, NKT nặng và đặc biệt nặng được hưởng chế độ trợ giúp xã hội, đến nay, cả nước có 1.012.923 NKT nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Nghị định có hiệu lực từ ngày 20/03/2019. Theo đó, nạn nhân bom mìn, vật nổ sau chiến tranh được hưởng các quyền của NKT; được Nhà nước hỗ trợ chăm sóc y tế khi bị tai nạn, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế và được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định về bảo hiểm y tế; được hỗ trợ về chỉnh hình, phục hồi chức năng; được hỗ trợ giáo dục, học ngh ề, tìm kiếm việc làm; được hỗ trợ sinh kế và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội.
Bên cạnh đó, mạng lưới các bệnh viện, Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho nạn nhân bom mìn cũng được hình thành và phát triển. Đến nay, cả nước có 5 Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng thuộc Bộ Lao động – TBXH tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định và Cần Thơ; 03 Trung tâm Phục hồi chức năng cho NKT, nạn nhân bom mìn tại thành phố Hồ Chí Minh và 04 Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc Sở Lao động - TBXH các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thái Nguyên, Ninh Bình; 418 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó, có 73 Cơ sở chăm sóc NKT (bao gồm nạn nhân bom mìn) và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những NKT (các tỉnh, thành phố cũng đang từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với các đối tượng cần trợ giúp xã hội bao gồm trong đó có nạn nhân bom mìn); 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 2.500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hoà nhập, 04 trường đại học sư phạm mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt và 03 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt. Hệ thống giáo dục này cùng các cơ sở trợ giúp xã hội đã đưa khoảng 1,1 triệu trẻ em khuyết tật (bao gồm cả nạn nhân bom mìn), trong đó có nạn nhân bom mìn ở độ tuổi đi học đến trường.
Mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng cũng phát triển rộng khắp, đến nay, nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước đã hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội ở cộng đồng, làm công tác quản lý trường hợp, trợ giúp NKT và nạn nhân bom mìn.
Do lượng bom mìn sót lại và diện tích ô nhiễm rất lớn, trên diện rộng, đa dạng, phức tạp, nên theo tính toán, bằng nguồn lực trong nước và tiến độ rà phá, xử lý như hiện nay, thì đến năm 2050 mới giải phóng được 800.000 ha đất, tương đương 15,22%. Bởi vậy, cùng với phát huy nội lực, Việt Nam đã tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, mở rộng hợp tác, huy động các nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực với ngoại lực trong quá trình thực hiện./.
Cảnh Hưng
TAG: