Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Nhiều giải pháp và chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ Thủ đô
11:59 AM 19/12/2022
(LĐXH)- Hà Nội đã và đang có những chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên trong thời gian tới, vẫn cần tạo các cơ chế, chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế… giúp thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa.
Nhiều giải pháp và chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ Thủ đô.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND ngày 5/6/2020 Ban hành quy chế “Quản lý kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ và quy định mức chi cụ thể các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ của TP. Hà Nội”.
Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2316/QĐ-UBND TP, ngày 05/6/2020 về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020- 2025 và Kế hoạch số 35/KH-UBND, ngày 27/01/2022, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2022. 
Sở Công Thương Hà Nội cũng đã tích cực tham mưu với UBND TP. Hà Nội, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và thành phố nhằm thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ của Thủ đô và cả nước.
Các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp
đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực
Thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể hàng năm, các cơ chế chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được triển khai rộng khắp đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực.
Những chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã thể hiện hiệu quả rõ rệt: các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng lên cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực ngành nghề tập trung chủ yếu vào 3 nhóm: Sản xuất linh kiện, phụ tùng - đây là nhóm doanh nghiệp chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo sử dụng các loại linh kiện trên.
Trong đó, có rất nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Kiến nghị sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp
Thực tế, đã có hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội được hưởng lợi từ các chính sách khi tham gia Chương trình về phát triển CNHT. Tuy nhiên, số doanh nghiệp chưa nhận được các trợ giúp trực tiếp từ thành phố còn rất lớn.
Có thể thấy, chính sách hiện hành cho phát triển CNHT mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... Những quy định tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn thiếu. Chính sách, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Chí - Giám đốc đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas cho hay: “Khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển ngành CNHT thì rất nhiều. Trong đó, phải kể đến việc thiếu chủ trương, chính sách cụ thể cho việc phát triển ngành CNHT của nhà nước đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặt khác, doanh nghiệp Việt cũng thiếu nhiều thông tin về thị trường, đối tác, đặc biệt là thiếu vốn để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phát triển từ ý tưởng đến sản xuất”.
Đã có hàng trăm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội được hưởng lợi
từ các chính sách khi tham gia Chương trình về phát triển CNHT
Nhiều chuyên gia nhận định, Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNHT và Thông tư số 55/2015/TT-BCT ngày 30-12-2015 của Bộ Công Thương, trong đó nêu rõ những điểm mới, những lĩnh vực được ưu tiên, hỗ trợ đối với các dự án đầu tư mới, mở rộng sản xuất sản phẩm cCNHT, đã tạo ra nhiều thuận lợi mới cho phát triển CNHT trên địa bàn Hà Nội. Tuy nhiên, do các văn bản chỉ đạo tiếp theo của Chính phủ sau Nghị định 111 về quy chế quản lý và thực hiện chương trình phát triển CNHT chậm được ban hành; hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 111 chưa đồng bộ, hoàn chỉnh đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung cho các chương trình phát triển CNHT tại địa phương.
Cũng theo các chuyên gia, vấn đề các doanh nghiệp CNHT cần nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong chính sách. Một chính sách đủ minh bạch, thông suốt và không còn cơ chế “xin - cho” mới là đòn bẩy giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp CNHT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, việc cung ứng vật liệu, linh kiện phụ tùng, các bán thành phẩm ngay trong nội địa bảo đảm tính chủ động cho ngành công nghiệp, không bị lệ thuộc nhiều vào nước ngoài và các biến động của nền kinh tế toàn cầu; góp phần hiệu quả trong việc khai thác các nguồn lực, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng cán cân xuất nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi rất kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ để từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển – bà Trần Thị Phương Lan cho biết.
Đặc biệt là tạo các cơ chế chính sách về vốn, khoa học công nghệ, tiếp cận mặt bằng, giao thương quốc tế, tham gia các hội chợ thường niên để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thường xuyên được kết nối, trao đổi thông tin. Từ đó, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, trao đổi, xúc tiến thương mại qua các kênh online, offline.
Đồng thời, thông qua hệ thống kết nối cổng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Sở Công Thương Hà Nội với các tổ chức về công nghiệp hỗ trợ của các nước, nhất là NC Network tại Việt Nam, từ đó giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nói riêng có thể kết nối giao thương với các đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…./.
Thảo Lan
TAG: chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ
Tin khác
Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR” lần thứ 6 liên tiếp
 Tăng cường quảng bá các sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô
Việt Nam trước cơ hội vàng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu
Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình triển khai chuyển đổi kép
Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong khi thi hành công vụ
Gian hàng  của Liên minh châu Âu (EU) tại Triển lãm Vietnam Foodexpo 2024 trưng bày hơn 200 thực phẩm xuất sắc của EU
Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa
Mua căn hộ Sun Group tại Hà Nam, hưởng 1.001 tiện ích đẳng cấp