Nhiều giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số
(LĐXH) – Hiện các cấp, ngành, địa phương đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS).
Trong những năm qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giải quyết tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực ở vùng DTTS, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025” (Đề án 498)
Sau năm 5 thực hiện Đề án (từ 2015-2020), tỷ lệ tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số có xu hướng giảm dần. Cụ thể kết quả Điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS tảo hôn năm 2018 là 21,9%, giảm 4,7% so với năm 2014 (26,6%) (tương ứng với mức giảm trung bình khoảng xấp xỉ 1%/năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với mục tiêu của Đề án 498 là giảm 2 đến 3%/năm thì kết quả thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 chưa đạt. Tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ. Tình trạng tảo hôn của người DTTS năm 2018 đã có sự cải thiện so với năm 2014, tuy nhiên tỷ lệ tảo hôn vẫn ở mức cao tại những vùng tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Trong 6 vùng kinh tế-xã hội, Tây Nguyên vẫn tiếp tục có tỷ lệ tảo hôn cao nhất năm 2018 là 27,5% (giảm 2,1% so với năm 2014); tiếp theo là Trung du và miền núi phía Bắc là 24,6% (giảm 5,1% so với năm 2014) và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 22,4% (giảm 3,2% so với năm 2014). Đồng bằng sông Hồng, nơi không có nhiều người DTTS sinh sống (3,3%), là vùng có tỷ lệ người DTTS tảo hôn thấp nhất cả nước năm 2018 (7,8%).
Theo dân tộc, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là Mông (51,5%), Cơ Lao (47,8%), Mảng (47,2%), Xinh Mun (44,8%), Mạ (39,2%). Theo giới tính, tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS năm 2018 vẫn cao hơn so nam DTTS (năm 2018: nam 20,1% và nữ 23,5%). So với năm 2014, tỷ lệ tảo hôn của nam DTTS đã giảm được 5,9%, cao hơn so với mức giảm tương ứng của nữ DTTS là 3,6% (năm 2014: nam 26,0% và nữ 27,1%). Tỷ lệ tảo hôn của nữ DTTS luôn cao hơn nam ở tất cả các vùng, ngoại trừ Đồng bằng sông Hồng.
Tỷ lệ kết hôn cận huyết trong vùng dân tộc thiếu số có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Kết quả Điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%o, giảm 0,9% so với năm 2014 (6,5%). Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam DTTS là 5,29%, giảm 1,26%so với năm 2014 là 6,55%; và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ DTTS năm 2018 là 5,87%, giảm 0,5% so với năm 2014 là 6,37%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm Mnông 37,7%, (nam 40,57% và nữ 35,38%), La Chí 30,8% (nam 27,43% và nữ 33,64%), Bru Vân Kiều 28,6% (nam 28,81% và nữ 28,41%), Cơ Tu 28,0% (nam 10,92% và nữ 43,21%) và Lô Lô 22,4% (nam 25,41% và nữ 20,02%).
Tình trạng kết hôn cận huyết thống của người DTTS đã giảm nhưng vẫn tăng cao ở một số dân tộc. Một số DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt. Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8% năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018), Gia Rai (tăng từ 9,1% năm 2014 lên 14,6% năm 2018) và La Ha (tăng từ 7,6% năm 2014 lên 11,0% năm 2018).
Mặc dù tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống không cao như tảo hôn nhưng hậu quả lại rất nặng nề, làm suy giảm nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mắc các bệnh phổ biến như dị tật, tan máu bẩm sinh. Những hệ lụy này, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hạnh phúc gia đình và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói trong đồng bào DTTS.
Để bảo đảm đạt được mục tiêu chung của Đề án 498 là “Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” và mục tiêu cụ thể: Giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn, dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao; Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số vào năm 2025, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung các giải pháp như: Tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc các cấp, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án 498 giai đoạn II, đảm bảo lồng ghép tuyên truyền hiệu quả giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, miền núi. Tiếp tục nghiên cứu toàn diện và sâu sắc hơn về tình hình, nguyên nhân của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở từng cộng đồng, từng nhóm dân tộc, từng địa phương (nghiên cứu, lập bản đồ và đánh giá), làm căn cứ cho đề xuất các chiến lược, giải pháp can thiệp, ứng phó phù hợp. Cần kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng để có thể xác định chính xác những nguyên nhân của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở các cộng đồng, các địa phương khác nhau. Cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững đối với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS&MN. Trong giai đoạn 2021-2025, cần đặt vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong bối cảnh rộng lớn và đa chiều hơn. Cần thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền năng của phụ nữ, bảo đảm cho phụ nữ tham gia lãnh đạo, cũng như tham gia vào quá trình ra quyết định trong hộ gia đình và ở cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bên cạnh đó, xóa bỏ tiêu chí về giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các tiêu chí thi đua ở địa phương để tránh áp lực thành tích dẫn đến che dấu, báo cáo không trung thực về tình hình tảo hôn và hôn cận huyết thống ở địa phương. Cơ quan thực thi pháp luật tăng cường truy tố, dăn đe thí điểm đối với một số đối tượng có hành vi dụ dỗ, giao cấu, kết hôn với trẻ em chưa đến tuổi vị thành niên theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tăng cường công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Đề án, phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở, triển khai các hoạt động Đề án 498 đạt kết quả, hiệu quả. Đẩy mạnh huy động các nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương, huy động sự hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động của Đề án 498 giai đoạn II (2021-2025)…/.
Nguyễn Thị Hiền
TAG: