Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Nhiều biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài
10:26 AM 22/12/2022
(LĐXH) – Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động.
Trong năm 2020 và 2021, dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn dẫn tới tình trạng lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà. Nhiều lao động hết hạn hợp đồng buộc phải ở lại vì không có chuyến bay về nước, gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập. Nhiều lao động đã được tuyển chọn, đào tạo, làm thủ tục nhưng chưa thể xuất cảnh theo kế hoạch...
Người lao động Việt Nam làm thủ tục đi làm việc ở Hàn Quốc.
Cùng với việc triển khai thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022), Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn (trong đó có Quyết định số 40/2021/QĐ-TTg về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) nhằm bảo đảm cơ chế hỗ trợ của Nhà nước trong cả quá trình trước, trong và sau khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Các chính sách được bổ sung, ban hành đã khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong hoạt động tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng; có các biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ của người lao động
Hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm, như: lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc thực hiện hành vi khác trái pháp luật. Phân biệt đối xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác ngoài ký quỹ và bảo lãnh quy định.
Đặc biệt, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành còn mở rộng đối tượng áp dụng và bổ sung quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh có thể đăng ký trực tuyến với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để được hỗ trợ và hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bổ sung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động khi bị ngược đãi, đe dọa; bổ sung quyền được tư vấn và hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi về nước và tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý xã hội tự nguyện. Bổ sung quy định cụ thể và nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ doanh nghiệp được phép thu của người lao động. Bổ sung cơ chế để hỗ trợ người lao động tiếp cận, đóng góp, thực hiện các thủ tục và nhận hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong thời gian làm việc ở nước ngoài thay vì cơ chế mang tính chất bồi hoàn và phải làm thủ tục khi đã về nước...
Việt Nam đã có nhiều biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài
Khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam. Đồng thời, chủ động làm việc với cơ quan chức năng các nước tiếp nhận đề nghị mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng số lượng lao động nhập cảnh để những lao động đã được đào tạo, hoàn thành các thủ tục có thể xuất cảnh; đề nghị nước tiếp nhận có chính sách tăng lương cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kết nối các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm để tạo nguồn lao động có kỹ năng ngề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngoài nước. Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động thông qua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc xây dựng và tổ chức mạng lưới giao dịch việc làm ngoài nước; cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức tư vấn tại địa phương để người lao động có đủ thông tin khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài cũng như hỗ trợ người lao động về nước tìm kiếm việc làm phù hợp nhu cầu và các nghề nghiệp, kỹ năng đã học được ở nước ngoài. Chỉ đạo các doanh nghiệp dịch vụ thực hiện đúng các quy định mới về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giảm chi phí trước khi đi cho người lao động, tăng cường quản lý bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành, trong 11 tháng năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 122.004 lao động (trong đó có 44.572 lao động nữ), đạt 135,56% kế hoạch năm 2022. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 60.105 lao động (27.359 lao động nữ), Đài Loan: 53.883 lao động (16.257 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.732 lao động (43 lao động nữ), Singapore: 1.663 lao động./.
Minh Quang
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật