Nhà tài trợ COP27 - Coca Cola là công ty gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất trong 5 năm liên tiếp
(LĐXH)- Các nhà hoạt động xã hội kỷ niệm 5 năm Trashiversary bằng cách hành động và tổ chức các hoạt động và gửi rác tới văn phòng của các nhãn hàng gây ô nhiễm hàng đầu để kêu gọi cho một Hiệp ước nhựa toàn cầu.
Theo báo cáo Kiểm toán Thương hiệu toàn cầu năm 2022 của Break Free From Plastic, công ty Coca Cola, PepsiCo, và Nestlé là những công ty gây ô nhiễm rác thải nhựa hàng đầu thế giới trong 5 năm vừa qua. Việc này cho thấy rằng các cam kết tự nguyện của các công ty không hề hạn chế và giảm thiểu các tác động đến môi trường. Vì vậy, các nhà hoạt động xã hội trên toàn thế giới đang thực hiện một Hiệp ước Nhựa Toàn cầu nhằm cung cấp các cơ chế ràng buộc về mặt pháp lý và các chính sách thực thi để giảm thiểu lượng nhựa được sản xuất và sử dụng từ các tập đoàn.
Từ năm 2018, hơn 200.000 tình nguyên viên tại hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện các đợt dọn dẹp toàn cầu và kiểm toán thương hiệu để xác định các công ty gây ô nhiễm nhựa ở nhiều nơi nhất. Trong vòng 5 năm vừa qua, số lượng bao bì của Coca Cola gom được còn nhiều hơn tổng lượng bao bì của 2 công ty gây ô nhiễm tiếp theo trong danh sách. Các đợt kiểm toán thương hiệu trong năm nay đã tìm thấy hơn 31.000 bao bì của Coca Cola, tăng gấp đôi so với con số này vào năm 2018. Dù vậy, Coca Cola vẫn đang là nhà tài trợ cho Hội nghị về Biến đổi Khí hậu (COP27) của Liên Hợp Quốc tại Ai Cập. Các nhà hoạt động xã hội hiện đang thấy khó hiểu trước sự tham gia của Coca Cola tại COP27 vì họ cho rằng 99% nhựa từ các sản phẩm của Coca Cola là làm từ nhiên liệu hoá thạch.
Ngày nay, để đối phó với tình trạng không có động thái của doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội trên khắp thế giới đang kỷ niệm 5 năm “Trashiversary” cho các công ty này bằng cách gửi thư hoặc chuyển lại những bao bì của các công ty này cho chính họ nhằm yêu cầu các công ty có những hành động khẩn cấp. Hiện nay, các hoạt động vẫn đang diễn ra và nhắm vào Coca Cola ở Bangladesh, Brazil, Cộng hoà Dân chủ Congo, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Tanzania, Togo, Uganda, Mỹ và Zambia; Unilever ở Indonesia, Anh và Nam Phi; và PepsiCo ở Ấn Độ và Tanzania.
Năm 2018, cùng với các nỗ lực Kiểm toán Thương hiệu, quỹ Ellen MacArthur và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã thực hiện cam kết mới về việc sử dụng và xử lý rác thải nhựa toàn cầu (New Plastics Ecomony Global Commitment). Chương trình này tập trung kêu gọi các công ty sản xuất tiêu dùng nhanh, bao gồm hầu hết các công ty gây ô nhiễm hàng đầu thực hiện các cam kết tự nguyện nhằm giảm thiểu tác động của rác thải nhựa. Tuy nhiên, báo cáo Tiến độ Cam kết Toàn cầu 2022 đã tiết lộ rằng các mục tiêu năm 2025 của họ “gần như chắc chắn” không hoàn thành được. Đối với nhiều công ty trong chương trình này, việc sử dụng bao bì nhựa đã gia tăng đáng kể từ sau khi tham gia Cam kết Toàn cầu, cho thấy rằng mặc dù đã cam kết tự nguyện nhưng họ vẫn không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong việc giảm thiểu nhựa.
Từ những cam kết tự nguyện không được thực hiện của các công ty gây ô nhiễm nhựa, phong trào Break Free From Plastic hiện đang kêu gọi một Hiệp ước Nhựa Toàn cầu chặt chẽ hơn và ràng buộc về mặt pháp lý. Vào cuối tháng này, phiên đàm phán hiệp ước đầu tiên sẽ diễn ra tại Punta Del Este, Uruguay.
Von Hernandaz, Điều phối viên Toàn cầu tại Break Free From Plastic chia sẻ: “Thay vì cho phép các công ty như Coke quảng cáo sai sự thật (greenwash) hình ảnh của họ, các Chính phủ cần yêu cầu các công ty gây ô nhiễm đầu tư xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thay thế và tái sử dụng để giảm lượng rác thải nhựa ngay từ đầu. Đây là một trong những sự thay đổi hệ thống quan trọng và cần thiết cho thế giới nhằm ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu và ô nhiễm nhựa. Các chính phủ trên toàn thế giới hiện có lý do và cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa một cách hiệu quả bằng cách đưa ra một hiệp ước nhựa toàn cầu nhằm giảm thiểu hoạt động sản xuất nhựa, buộc các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về ô nhiễm mà họ đang gây ra và đưa ra các giải pháp thay thế như việc tái sử dụng”.
Theo Ornela Garelli, Nhà hoạt động đại dương và nhựa của tổ chức Greenpeace tại México, “Ở các quốc gia như México, Coca Cola hiện đang đấu tranh chống lại những nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa như lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần. Xã hội của chúng ta phải chịu đựng sự ô nhiễm gây ra từ những công ty lớn, ví dụ như các công ty dầu khí lớn trên thế giới (Big Oil) đang mở rộng hoạt động sản xuất nhựa có nguồn gốc từ nhiên liệu hoá thạch để kiếm lợi nhuận. Các thương hiệu lớn như Coca Cola, PepsiCo, Nestlé và Unilever đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng: họ cần phải hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, đảm bảo ít nhất một nửa số lượng bao bì của họ có thể tái sử dụng vào năm 2030, vận động cho một hiệp ước nhựa toàn cầu có tham vọng, hạn chế sản xuất, sử dụng nhựa một lần và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế tái sử dụng”.
Froilan Grate, Điều phối viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Toàn cầu về Giải pháp thay thế lò đốt (GAIA) cho biết: "Kiểm toán thương hiệu này một lần nữa cho thấy ai là người gây ô nhiễm thực sự. Các công ty này đang không thực hiện được lời hứa của họ, nhưng chúng tôi không vì thế mà giảm sự kêu gọi cho cam kết Zero Waste (Không chất thải). Tại GAIA, chúng tôi liên tục làm việc với các tổ chức và cộng đồng có kinh nghiệm để làm nổi bật vai trò lãnh đạo của các nước đang phát triển trong phong trào không rác và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm toán thương hiệu để yêu cầu những công ty gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm”./.
Mỹ Linh
TAG:
Nhà tài trợ COP27
gây ô nhiễm rác thải nhựa nhiều nhất
Kiểm toán Thương hiệu năm 2022
Break Free From Plastic