Người thương binh vượt khó trên quê hương Yên Thế
(LĐXH) - Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” và thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện nhiều tấm gương thương binh vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế tặng thu nhập cho gia đình. Tiêu biểu trong số đó có đồng chí Triệu Viết Thuận, sinh năm 1962, là thương binh hạng 3/4, hiện ở bản Bình Minh, xã Đồng Vương.
Năm 1980, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Triệu Viết Thuận đã lên đường nhập ngũ vào Quân đoàn 14 - Sư 337 thuộc mặt trận Lạng Sơn. Tham gia chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng ở địa bàn Lạng Sơn. Đồng chí cùng đồng đội tham gia chiến đấu và đánh bại nhiều âm mưu, hành động lấn chiếm phá hoại của kẻ địch. Tiêu biểu trong đó là trận đánh bảo vệ cao điểm 400, cao điểm 820 và cao điểm 636 tại Tràng Định, Thất Kê (Khê) diễn ra từ tháng 5/1981 đến cuối năm 1984.
Năm 1985, trong một lần tuần tra, trinh sát đồng chí đã bị trúng mìn của quân địch và bị mất đi 1/3 chân trái. Sau hai năm điều trị trong quân ngũ, đến tháng 11/1987 đồng chí được đơn vị cho về phục viên - với mức thương tật hạng 3/4. Thời gian đầu về địa phương ở bản Bình Minh, xã Đồng Vương do mới mất đi một phần cơ thể nên thường xuyên đau nhức; trong sản xuất còn bỡ ngỡ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà lại có 5 miệng ăn, trong đó có 3 con nhỏ, do vậy kinh tế gia đình đồng chí lúc đó gặp rất nhiều khó khăn. Song với bản chất của người lính cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, thương binh Triệu Viết Thuận đã đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở nhiều nơi trong và ngoài huyện. Đặc biệt là mô hình làm kinh tế của các đồng đội, những tấm gương điển hình được giới thiệu trên truyền hình; tạp chí Cựu chiến binh...
Thương binh Triệu Viết Thuận bên rừng bạch đàn của gia đình đang canh tác
Qua theo dõi nhiều chương trình, chứng kiến nhiều mô hình kinh tế của đồng đội cho hiệu quả cao, đồng chí nhận thấy: Tuy điều kiện gia đình còn rất khó khăn, đặc biệt là vốn, nhưng bù lại đồng chí lại có điều kiện về đất đai với trên 3 ha đất đồi, hàng nghìn mét vuông đất vườn và trên 8 sào ruộng, đồng chí xác định đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp rừng, vườn, ao, chuồng (RVAC). Từ những năm 1990, đồng chí Thuận đã cùng với gia đình tập trung cải tạo trên 3ha đất đồi và vườn tạp đưa vào trồng rừng thâm canh, trồng các loại cây ăn quả như vải thiều, nhãn, xoài, mít…, đất đã không phụ lòng người, mỗi năm từ vườn cây ăn quả của đồng chí cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2000 trở lại đây đồng chí đã đầu tư mạnh vào trồng rừng thâm canh, chăn nuôi lợn, trâu và gà. Đồng chí cho biết: “Năm 2020 vừa qua, với ba, bốn con lợn nái, chỉ riêng chăn nuôi lợn gia đình đồng chí cũng lãi được 50 đến 60 triệu đồng. Còn về rừng, cứ 6 năm đồng chí khai thác một chu kỳ trồng, năm ngoái đồng chí mới bán 01ha bạch đàn CT3, sáu năm tuổi, trừ hết chi phí từ khi trồng đến khi khai thác vẫn lãi khoảng 160 triệu đồng”.
Từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp RVAC, hàng năm gia đình đồng chí Thuận có nguồn thu nhập ổn định khoảng 150 triệu đồng/năm. Các con đồng chí đều được học hành đầy đủ, giờ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Nói về thành quả phát triển kinh tế, đồng chí Thuận tâm sự: “Bản thân tôi không dám nghĩ là mình có thể vươn lên phát triển kinh tế gia đình được như ngày hôm nay. Nhưng là một người lính đã được rèn luyện và từng tham gia chiến đấu để bảo vệ các cao điểm ở biên giới của Tổ quốc, tôi cứ nghĩ nếu trong chiến đấu ác liệt như vậy, khổ cực như vậy mà tôi và đồng đội còn vượt qua được thì hiện tại hòa bình và có điều kiện như bây giờ thì mình càng phải nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con và càng không nên trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, chăm lo của Nhà nước.”
Không chỉ sản xuất giỏi, đồng chí Triệu Viết Thuận còn là gương thương binh gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng chí sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong bản từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Ông Triệu Viết Thuận bên rừng bạch đàn của gia đình đang canh tác
Đồng chí Bùi Văn Chức - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Vương nhận xét: “Thương binh Triệu Viết Thuận là một trong những gương Cựu chiến binh, thương binh điển hình trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh đó, đồng chí còn là người luôn tiên phong, gương mẫu trong các phong trào chung của Hội, của địa phương như đóng góp, xây dựng quỹ hội, đóng góp tiền làm đường bê tông nông thôn theo Nghị quyết 06, 07 của HĐND tỉnh, giúp đỡ đồng chí, đồng đội gặp hoạn nạn, khó khăn; ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19…. Từ đó, đồng chí Thuận luôn được anh em đồng chí, đồng đội cũng như bà con nhân dân tin yêu, quý mến. Cũng từ mô hình điển hình của thương binh Triệu Viết Thuận và một số hội viên khác, Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Đồng Vương đã tuyên truyền, vận động hội viên làm theo. Toàn xã có 298 hội viên, đến nay, hội đã có trên 50 mô hình phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi cho thu nhập cao.”
Dù đã mất đi 1/3 chân trái, nhưng điều đó không làm giảm được ý chí phấn đấu vươn lên làm giàu cho mình và cho quê hương của Cựu chiến binh, thương binh Triệu Viết Thuận. Bằng ý chí, cách lựa chọn mô hình, thành quả đã đạt được trong phát triển kinh tế và sự tích cực chia sẻ, thực hiện tốt các phong trào ở địa phương. Đồng chí Triệu Viết Thuận nhiều năm liền được Hội CCB xã, Chủ tịch UBND xã Đồng Vương, Hội CCB huyện và Chủ tịch UBND huyện khen thưởng. Đặc biệt năm 2007 đồng chí đã được Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Giang tặng Giấy khen về gia đình văn hóa tiêu biểu và vinh dự hơn cả đó chính là năm 2008, đồng chí đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Qua đó thêm khẳng định: Mô hình kinh tế của gia đình thương binh Triệu Viết Thuận ở bản Bình Minh, xã Đồng Vương là một điển hình tiêu biểu của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên, là điểm sáng để nhiều thương binh, bệnh binh học tập, làm theo và là mô hình cần nhân rộng trên địa bàn huyện để góp phần xây dựng quê hương Yên Thế Anh hùng./.
Trung Hiếu
TAG: