Người thương binh vượt khó trên quê hương Bắc Giang
Vượt lên trên những đau đớn do thương tật để lại, thương binh Phạm Xuân Côn ở thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Cảng phân phối xi măng và cát của thương binh Phạm Xuân Côn nằm ngay sát sông Thương. Thấy khách đến, ông nở nụ cười tươi, bước chân tuy tập tễnh vì một bên phải dùng chân giả nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát.
Qua lời kể của người thương binh, chúng tôi biết, 19 tuổi, ông Côn tình nguyện nhập ngũ vào một đơn vị ở miền Bắc, sau ba tháng huấn luyện tân binh, ông đi B. Trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, ông được biên chế về Tiểu đoàn 8 cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có nhiệm vụ bảo vệ các cán bộ cấp cao của quân đội. Nhờ gan dạ, mưu trí ông được cử đi học thêm các khóa đào tạo về chuyên ngành trinh sát đặc công, tình báo.
Nhờ chịu khó, nỗ lực làm ăn, thương binh Phạm Xuân Côn đã phát triển kinh tế gia đình ấm no'
Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, năm 1979, ông tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới, khi ấy ông là Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 32 Trinh sát (Quân khu 5). Trong những năm 1984-1985, đội trinh sát của ông Côn được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng ở các khu vực trọng yếu trên tuyến biên giới Campuchia-Lào-Thái Lan.
“Địa bàn hoạt động rộng, thời tiết khắc nghiệt, đường sá chia cắt, địch bầy binh bố trận khắp nơi, chông mìn dày đặc. Thế nhưng chúng tôi xác định rõ giúp bạn là giúp chính mình, quyết khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Côn nói. Tiểu đoàn của ông đã phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị khác phá vỡ nhiều căn cứ của địch.
Cuối năm 1984, trong một lần đi trinh sát, nắm tình hình, ông không may vướng vào mìn và bị thương ở chân phải. Trải qua 11 năm chiến đấu, năm 1985, ông xuất ngũ với quân hàm Đại úy cùng nhiều huân, huy chương.
Về địa phương, ông cùng người vợ là giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông làm nhiều việc để có tiền trang trải sống từ đánh cá, chăn nuôi, thợ may đến xây dựng. Năm 1998, ông vay mượn mua một chiếc tàu thủy lái đến tỉnh Quảng Ninh mua vôi về bán cho người dân trong vùng. Nhờ chắt chiu dành dụm lại biết tính toán nên chẳng mấy chốc, ông mua thêm một tàu nữa, cuộc sống no đủ hơn. Từ năm 2006, ông nhận thấy mặt hàng vôi không còn ưu thế nên quyết định chuyển sang kinh doanh, phân phối xi măng.
Từ hai tàu, nay ông Côn đã có tổng 4 tàu, hai cần cẩu, hai băng tải và khoảng 20 công nhân là CCB, con em cựu binh, thanh niên xuất ngũ cùng nhiều lao động khác ở các tỉnh thành trong nước với mức lương từ 10 đến 15 triệu/tháng. Đầu năm 2020, ông nhập thêm cát xây dựng để phân phối.
Buôn bán có uy tín, sản phẩm chất lượng nên nhiều đại lý vật liệu xây dựng và đơn vị thi công ở khu vực Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên đều mua xi măng, cát của gia đình ông. Ông Côn còn tích cực đóng góp xi măng, cát cho địa phương xây dựng đình, chùa, đường xá, trường học, trụ sở làm việc tại địa phương. “Khi thời tiết thay đổi, vết thương ở chân do bom đạn vẫn đau nhức nhưng tôi tự ngẫm không được vì thế mà “sống hoài, sống phí”. Từ con số không, giờ đây vợ chồng tôi cũng có được chút “của để dành” chính là cảng phân phối xi măng và cát này”, thương binh Phạm Xuân Côn nói với chúng tôi như vậy.
Đặc biệt, cách đây hơn ba năm, ông thấy một bé trai mới vài ngày tuổi bị bỏ rơi ở thị trấn Cao Thượng. Động lòng thương, ông đã nhận nuôi dưỡng, coi như con cháu trong nhà. Ông là tấm gương sáng trong thời chiến cũng như trong thời bình, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”./.
PV
TAG: