Nghề đan lục bình: Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Với mong muốn tạo việc làm cho chị em phụ nữ khó khăn tại địa phương, chị Danh Thị Hiền - một phụ nữ Khmer, ở ấp Giồng Có, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên) đã thành lập cơ sở đan lục bình tại nhà và giúp cho hàng trăm lao động nông nhàn có việc làm, với mức thu nhập bình quân từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/ngày/người, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình lúc rảnh rỗi.
Chị Danh Thị Hiền sinh ra trong một gia đình Khmer nghèo ở ấp Giồng Có, tuổi thơ gắn liền với những ngày lam lũ, cực khổ. Đến khi xây dựng gia đình, cuộc sống cũng chẳng khấm khá, do không ruộng đất, vốn liếng, kinh nghiệm nhưng với tinh thần cần cù quyết tâm thoát khỏi cảnh nghèo, chị đã vượt qua tất cả. Để có kinh nghiệm làm nghề đan đát lục bình, chị Hiền đã đi làm công cho các cơ sở tại địa phương. Khi đã tích lũy được số vốn, chị mở một cơ sở đan đát lục bình cho riêng mình.
Trò chuyện với chúng tôi về những khó khăn mà bản thân đã trải qua, chị Hiền nhớ lại: “Những năm trước, cuộc sống chồng chất khó khăn tôi nghĩ chẳng lẽ mình nghèo hoài vậy sao, từ đó tôi quyết tâm đi học đan lục bình. Khi biết nghề thì đi làm công cho người ta. Sau khi đã tích lũy được kinh nghiệm, tôi về mở cơ sở tại nhà, nghề đan đát không “kén” người làm, từ già, trẻ đều có thể làm được, thấy bà con có công ăn việc làm mình mừng lắm”. Với ý chí kiên trì, vượt qua khó khăn, cùng với sự nhanh nhẹn, khéo léo và niềm đam mê yêu nghề mà từ hai bàn tay trắng, sau thời gian lập nghiệp, chị Hiền đã gầy dựng được cơ sở đan đát khá hoành tráng. Những thứ tưởng như “bỏ đi” như lục bình giờ đã trở thành nguyên liệu chính giúp chị Hiền “bén duyên” với nghề. Thấy cơ sở của chị Hiền mở ra ở địa phương ai cũng phấn khởi, tìm đến học với mong muốn có được việc làm, tạo ra sản phẩm để tăng thu nhập gia đình. Ai có nhu cầu học nghề thì được dạy miễn phí. Có nhiều người ở tận TX. Ngã Năm, huyện Thạnh Trị cũng tìm đến cơ sở của chị học nghề.
cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Cẩm Thúy, ở ấp Giồng Có chia sẻ: “Do không có ruộng canh tác nên tôi ở nhà giữ con, chồng đi làm hồ, công việc cũng bấp bênh, ngày nắng có việc làm, ngày mưa thì nghỉ. Tôi thấy công việc đan lục bình nhẹ nhàng, lại không đòi hỏi kỹ thuật nhiều nên tranh thủ nhận làm vào thời gian rảnh rỗi. Bình quân tôi đan được 3 đến 4 sản phẩm/ngày, cho thu nhập khoảng 50.000 đồng. Tuy không nhiều nhưng số tiền trên đã giúp tôi có thêm chi phí sinh hoạt”. Không ngại gian nan chị Hiền đi khắp nơi để tìm kiếm thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Từ khi biết được chất lượng sản phẩm của cơ sở chị Hiền, HTX mây tre lá Ba Nhất ở tỉnh Bình Dương đã trực tiếp xuống thu mua sản phẩm để xuất khẩu. Hiện nay, cơ sở của chị Hiền chủ yếu làm gia công các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu lục bình, như: sọt tròn, ghế… Mẫu mã của các sản phẩm cũng thường xuyên thay đổi để phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Để đảm bảo đủ nguyên liệu, ngoài việc thu mua ở các địa phương trong tỉnh, chị còn lấy nguyên liệu từ Long Mỹ (Hậu Giang). Nhờ giữ chữ tín nên mọi người tìm đến với cơ sở của chị Hiền ngày càng nhiều. Trao đổi với chúng tôi, chị Danh Thị Hiền bộc bạch: “Tới đây, để cơ sở phát triển ngày càng bền vững thì nguồn vốn là yếu tố quyết định. Nhu cầu việc làm của chị em ở nông thôn còn rất lớn nên tôi mong muốn địa phương có những chính sách hỗ trợ thêm nguồn vốn để cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn có nguồn thu nhập ổn định tại địa phương, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Đồng chí Nguyễn Thị Phương Loan - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Giồng Có, nhận xét: “Tuy mới thành lập nhưng cơ sở đan lục bình của chị Danh Thị Hiền bước đầu đã giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho rất nhiều lao động nông nhàn tại địa phương; đặc biệt, cuộc sống của chị em hội viên, phụ nữ Khmer trên địa bàn ngày càng cải thiện rõ rệt; góp phần khẳng định vị thế, vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Theo Báo Sóc Trăng
TAG: